Chủ nhật 24/11/2024 22:54

Khởi đầu thuận lợi của Hiệp định EVFTA

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong khuôn khổ hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Châu Âu, hôm qua 27 - 8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Hành trình 01 năm Hiệp định EVFTA – Khởi đầu thuận lợi và những bước tiếp theo”.

Thương mại hai bên tăng cao

Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc đánh giá: Một Hiệp định như vậy có hiệu lực vào một thời điểm đặc biệt, khi kinh tế hai bên và cả thế giới đang phải vật lộn để vượt qua những khó khăn từ đại dịch thế kỷ Covid-19, EVFTA lại gánh thêm những kỳ vọng khác nữa, như là một trong những động lực và cách thức quan trọng để các DN và nền kinh tế hai bên, mà đặc biệt là Việt nam, cầm cự qua dịch bệnh cũng như lấy lại đà tăng trưởng sau đó.

EVFTA cho phép Việt Nam kết nối trực tiếp cùng lúc với 27 nền kinh tế thành viên của khu vực kinh tế đứng tốp đầu thế giới. Thị trường gần 500 triệu dân của 27 nước EU lớn thứ hai toàn cầu về sức mua đồng thời cũng là khách hàng lớn thứ hai, thứ ba liên tục nhiều năm của xuất khẩu Việt Nam.

Việt Nam chúng ta với 98 triệu dân và một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, cũng có nhu cầu rất cao về nguồn đầu vào cho sản xuất cũng như các sản phẩm tiêu dùng chất lượng tốt từ EU.

Sau 1 năm hiệp định có hiệu lực, 65% hàng hóa của EU sang Việt Nam và 71% hàng hóa của Việt Nam sang EU đã được miễn thuế, qua đó giúp kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - EU 6 tháng đầu năm 2012 đạt trên 27 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020.

Khởi đầu thuận lợi của Hiệp định EVFTA

EVFTA - Trợ lực cho DN vượt qua dịch bệnh

Xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã giữ được lợi thế về giá, nhất là trong lĩnh vực nông, thủy sản. Đây là động lực để các DN Việt Nam tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất sau dịch, thu hút lao động trở lại và thúc đẩy khôi phục nguồn nguyên liệu.

Trong khi đó, nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đạt trên 8 tỷ USD, tăng trên 19%, gồm các mặt hàng linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị... đã giúp các DN Việt Nam tiết kiệm được chi phí; tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả cạnh tranh.

Ông Alain Cany – Chủ tịch Eurocharm – cũng nhìn nhận, những kết quả đạt được sau hơn 1 năm thực thi sẽ còn gia tăng hơn nữa khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực sau khi Hiệp định này đã được phê chuẩn ở mỗi quốc gia thành viên EU. Trong khi đó, chỉ số niềm tin kinh doanh của EuroCham (BCI) cho thấy rằng gần 2/3 thành viên của chúng tôi đã được hưởng lợi từ EVFTA kể từ khi EVFTA có hiệu lực.

Khai thác hiệu quả nghành có lợi thế, tiềm năng

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, để xử lý tất cả những nguy cơ cả hiện hữu và trong tương lai này, cần rất nhiều giải pháp từ cả chính sách của Nhà nước và chiến lược riêng của DN. Trong các giải pháp đó, EVFTA có thể đóng góp và là một trợ lực ý nghĩa cho DN vượt qua dịch bệnh để tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới nếu khai thác hiệu quả các khía cạnh thích hợp.

Những lợi thế về thuế quan trong EVFTA có thể là một lực hấp dẫn quan trọng để thu hút các khách hàng EU quay trở lại với VN sau thời gian đỉnh dịch. EVFTA cho Việt Nam lợi thế cực kỳ đáng kể trong cạnh tranh với các đối thủ khác ở thị trường EU. Hiện tại, ngoài VN, EU mới chỉ có FTA với 3 nền kinh tế ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, trong đó không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp nào với VN.

Theo một số chuyên gia, khi xây dựng các giải pháp phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng có đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian gần đây để tiếp tục tận dụng lợi thế khi thực hiện EVFTA.

Cụ thể như: Các mặt hàng như dệt may và da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản luôn được coi là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường các nước EU.

Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thời gian qua là tín hiệu hết sức khả quan, cho thấy nhiều DN Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng như hạt điều, cà phê, thanh long, vải…

Trong thời gian tới, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) sẽ tiếp tục đổi mới cách thức triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng tăng cường các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động xúc tiến thương mại của DN; đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với các nhóm đối tượng DN khác nhau; hỗ trợ triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị từ khâu phát triển sản phẩm, xúc tiến đầu tư, xây dựng phát triển thương hiệu, phát triển thị trường xuất khẩu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và kỹ năng xúc tiến phát triển thị trường tận dụng các cơ hội FTA cho DN.

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động