Thứ ba 30/04/2024 08:21

Khát vọng xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định những định hướng lớn cho sự phát triển đột phá của Thủ đô trong một giai đoạn mới. Sau hơn 1 năm triển khai, Nghị quyết đã thực sự trở thành nguồn động lực mới thúc đẩy Thủ đô phát triển…
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra tiến độ thi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Thường Tín. Ảnh: Thanh Hải
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra tiến độ thi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Thường Tín. Ảnh: Thanh Hải

Hoàn thiện các quy hoạch lớn

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã khẩn trương, nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện. TP Hà Nội đã tăng cường công tác quy hoạch và xây dựng thể chế nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phát triển, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ lớn, gồm: lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tháng 12/2023, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP khóa XVI đã thông qua Đồ án, trong đó với nhiều điểm nổi bật, đặc biệt, đề xuất mô hình “TP trong Thủ đô” để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa). Điều này để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logistics; thương mại quốc tế; tài chính... hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.

Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP đã chỉ đạo nhấn mạnh các yếu tố tiểu vùng văn hóa để thấy được tính đa sắc, hội tụ của Thủ đô ngàn năm văn hiến; nghiên cứu định hướng phát triển vừa bảo đảm hội tụ, vừa gìn giữ được văn hóa của từng vùng; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng nông thôn Bắc Bộ, kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ.

Nhằm tạo thể chế đầy đủ hơn, góp phần để thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã được thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Đây là Dự Luật có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ Hà Nội và các bộ, ngành, được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao, thống nhất sự cần thiết ban hành. Dự Luật sẽ tạo thêm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, tạo cơ sở pháp lý vững chắc và động lực mới trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô theo hướng toàn diện và bền vững.

Tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, yêu cầu mới phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW cao hơn trước, bởi Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia. Đặc biệt, phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Với tầm quan trọng đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay rất quan trọng. Trong đó, Nghị quyết số 15-NQ/TW yêu cầu phải đưa ra những cơ chế vượt trội, phân cấp ủy quyền mạnh cho Thủ đô Hà Nội. “Nội dung quan trọng trong việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW là phải xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội. Đồng thời, tăng quyền và giao quyền cho Hà Nội triển khai thực hiện các lĩnh vực” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Xác định kết quả mấu chốt thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW là nâng cao đời sống người dân, TP Hà Nội đã thông qua Kế hoạch đầu tư ưu tiên cho 3 lĩnh vực: giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo với tổng mức đầu tư hơn 49.000 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2023, TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư 1.227 dự án/1.305 dự án (đạt 86,4% kế hoạch); phê duyệt 1.044 dự án/1.305 dự án (80% kế hoạch); đã khởi công và triển khai xây dựng 712 dự án/1.305 dự án (68,8% kế hoạch). Lũy kế đến hết năm 2023 hoàn thành 553 dự án…

Bước đi đột phá về phát triển hạ tầng

Để hiện thực các mục tiêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW, nhiều nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã được TP thúc đẩy. Trong đó, một chủ trương lớn, bước đi đột phá về phát triển hạ tầng đã được Hà Nội chủ động đề xuất và được T.Ư đồng ý. Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, chỉ trong một thời gian ngắn, dự án đã được triển khai, hoàn thành các mốc tiến độ theo kế hoạch.

Ngày 25/6/2023, khi đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định, TP Hà Nội đã đi đầu khởi công dự án tại 4 điểm trên địa bàn. Đến nay, 3 tỉnh, TP (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được 1.306,06/1.390,63ha (đạt 93,92%) và di chuyển 11.540/15.556 ngôi mộ (đạt 74,18%); 36 mũi thi công dự án trên toàn tuyến đã và đang được các nhà thầu triển khai…

Để phát triển đồng bộ về hạ tầng, TP cũng đã tập trung thực hiện phê duyệt 13 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; nâng tổng số nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện lên thành 14/14 nhiệm vụ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, chung cư cũ, các làng nghề, hoàn thiện chương trình phát triển đô thị. TP cũng tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức và Thanh Trì thành quận, trong đó đề án thành lập quận Đông Anh, Gia Lâm đã được HĐND TP thông qua.

Song song với công tác quy hoạch, việc xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị của TP Hà Nội cũng được đẩy mạnh. Đến nay, TP đã đưa vào sử dụng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch. Hiện TP đang nghiên cứu, triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các cầu lớn vượt sông Hồng (Hồng Hà, Mễ Sở) để khớp nối đồng bộ với đường Vành đai 4…

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành các quy hoạch, tăng cường kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, hầm chui nút giao đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3...

Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với quyết tâm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có để hiện thực hóa khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” như Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Thủ đô Hà Nội với những thời cơ và cơ hội phát triển mới
Sửa đổi Luật Thủ đô: Yêu cầu cấp thiết để Hà Nội tăng tốc phát triển
Quy hoạch Thủ đô - Tầm nhìn và khát vọng
Hà Nội phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tuyến đường gom phía Nam cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên
Thông qua Nghị quyết về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội
Tiền đề quan trọng để Hà Nội vững bước tới tương lai
Nguyên Bảo
Kinhtedothi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động