Thứ sáu 08/11/2024 16:24
Ứng dụng IOT trong ngành chăn nuôi của Hà Nội:

Khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Nguyễn Đình Đảng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội khẳng định, thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp thông minh (IOT) trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi. Các mô hình ứng dụng hệ thống IOT đã dần đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất trong điều kiện hiện nay của TP.
Mô hình chăn nuôi vịt công nghệ cao của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam tại huyện Quốc Oai. Ảnh: Văn Biên
Mô hình chăn nuôi vịt công nghệ cao của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam tại huyện Quốc Oai. Ảnh: Văn Biên

Chăn nuôi có những đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế trong ngành Nông nghiệp Thủ đô

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đến thời điểm hết tháng 9/2023, tổng đàn trâu hiện có 28,9 nghìn con, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 129,6 nghìn con, giảm 0,1%. Chăn nuôi lợn tiếp tục xu hướng tăng đàn, số lượng lợn hiện có ước đạt 1,48 triệu con, tăng 4,9% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 41,9 triệu con, tăng 2,2% (đàn gà 28 triệu con, tăng 2,2%).

Tính chung 9 tháng năm 2023, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 1.560 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò đạt 8.017 tấn, tăng 0,2%; thịt lợn đạt 188 nghìn tấn, tăng 7,4%; thịt gia cầm đạt 121 nghìn tấn, tăng 0,5% (thịt gà 90,8 nghìn tấn, tăng 0,1%); trứng gia cầm 2.107 triệu quả, tăng 3,7% (trứng gà 1.035 triệu quả, tăng 0,5%).

Chăn nuôi của TP Hà Nội đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư theo Quyết định 4537/QĐ-UBND ngày 11/9/2023, với 128 khu chăn nuôi tập trung gồm: 11 khu chăn nuôi bò sữa, 67 khu chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, 106 khu chăn nuôi lợn, 98 khu chăn nuôi gia cầm, với 6.381 trang trại chăn nuôi (bao gồm 130 trang trại lớn, 1.593 trang trại vừa, 4.658 trang trại nhỏ). TP Hà Nội đang hướng đến các mô hình chăn nuôi lớn, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, đồng thời đang từng bước tiến tới quy hoạch chăn nuôi gắn với giết mổ, sơ chế, chế biến nhằm phát triển các chuỗi và cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân Thủ đô.

IOT giúp tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong chăn nuôi

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn như thời tiết diễn biến bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, khó lường luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch... Song ngành nông nghiệp TP Hà Nội nói chung và chăn nuôi nói riêng vẫn có nhiều khởi sắc.

Trên địa bàn TP Hà Nội đã có nhiều mô hình sản xuất IOT, trong đó có những mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi. Mô hình nông nghiệp thông minh có mặt ở hầu hết các quận, huyện có sản xuât nông nghiệp và tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Hiện có 09 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - tiêu thụ nông sản (Jafa, CP, Dabaco, CJ Việt Nam, Minh Long, Công ty Giống gia súc Hà Nội,...) và 03 HTX chăn nuôi đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp thông minh.

Trao đổi với PV PL&XH, ông Nguyễn Đình Đảng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, trong lĩnh vực chăn nuôi, nông nghiệp thông minh được lựa chọn ứng dụng chủ yếu là các công nghệ, thiết bị thông minh trong việc quản lý, điều khiển môi trường chăn nuôi, giúp giảm nhân công lao động, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong chăn nuôi.

“Sử dụng chíp điện tử để quản lý, theo dõi, giám sát các chỉ số sức khỏe và ghi nhận thông tin di chuyển của vật nuôi; sử dụng công nghệ chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm chuồng nuôi; dây chuyền cho ăn tự động, uống nước tự động...” – ông Nguyễn Đình Đảng cho biết.

Theo ông Nguyễn Đình Đảng, việc áp dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất đã tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và mang lại thu nhập cao hơn so với sản xuất truyền thống. “Hiện toàn, toàn TP Hà Nội có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín, ứng dụng công nghệ trong xử lý môi trường, trong đó có 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động. 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động. 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi vịt trên sàn nhựa” – ông Nguyễn Đình Đảng thông tin.

Đến thời điển hiện tại, một số mô hình chăn nuôi ứng dụng nông nghiệp thông minh, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong sản xuât nông nghiệp của TP Hà Nội như: Công ty Cổ phần giống gia cầm Ngọc Mừng, Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội, HTX Hoàng Long, HTX Hòa Mỹ, Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Vinh Anh, Công ty Jafa, Công ty CP, Công ty Dabaco, Công ty CJ Việt Nam...

Ứng dụng hệ thống IOT trong chăn nuôi đã dần đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất trong điều kiện hiện nay của TP.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, TP Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của cả nước và cũng là trung tâm chăn nuôi bởi chăn nuôi gia súc, gia cầm luôn đứng trong tốp đầu cả nước. Hiện ngành chăn nuôi có những đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế trong ngành Nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi. Trong 9 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản, ước tăng 2,15% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình chăn nuôi trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra.
Nông nghiệp thông minh chính là nền nông nghiệp của tương lai
Hà Nội: Thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh
Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động