Khẩn trương đánh giá nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm chủng tại Vĩnh Phúc, Sơn La
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTại công điện số 1626 gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Y tế nêu: Ngày 13-10-2020, Bộ Y tế nhận được thông tin về 1 trường hợp tử vong sau tiêm chủng vắc-xin viêm gan B tại Bệnh viện Phúc Yên, tinh Vĩnh Phúc.
Tại công điện số 1627/CĐ-BYT gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La, Bộ Y tế cho biết, ngày 13-10-2020, Bộ Y tế nhận được thông tin về 4 trường hợp phản vệ sau tiêm vắc-xin, trong đó 1 trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin ComBE Five và uống vắc-xin 6OPV tại Trạm Y tế xã Chiềng Xôm, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La và 3 trường hợp đang được theo dõi sức khỏe tại khoa Nhi, Bệnh viên Đa khoa tỉnh Sơn La.
Cả hai công điện này, Bộ Y tế nêu rõ theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và Thông tư số 34/2018/TT- BYT ngày 12-11-2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số Điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng để đánh giá, kết luận về nguyên nhân về các trường hợp nêu trên và triển khai các hoạt động theo quy định.
Bộ Y tế đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc và Sơn La chỉ đạo thực hiện và báo cáo gửi Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để tổng hợp.
Liên quan đến thông tin này, PGS-TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết đã nhận được báo cáo nhanh từ Sơn La và Vĩnh Phúc về hai trường hợp tử vong sau tiêm chủng. Viện đã yêu cầu các tỉnh họp hội đồng chuyên môn, cần ý kiến đánh giá của các chuyên gia để có kết luận chính xác về nguyên nhân tử vong.
Ảnh minh họa |
Bước đầu đánh giá nhanh công tác tiêm chủng tại hai tỉnh trên, từ khâu bảo quản, sử dụng đến tiêm chủng vắc-xin đều đảm bảo an toàn. Đồng thời, lô vắc-xin 5 trong 1 tiêm cho trẻ tại Sơn La cũng được tiêm cho trẻ tại nhiều tỉnh, thành khác như tại khu vực phía Nam nhưng không có vấn đề gì bất thường.
Theo thống kê về tình hình phản ứng sau tiêm chủng trong 3 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận ghi nhận 3.982 trường hợp phản ứng thông thường và 18 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Về phản ứng thông thường sau tiêm chủng, ghi nhận các trường hợp phản ứng tại chỗ (sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm), sốt dưới 39 độ C và các triệu chứng khác.
Về tai biến nặng sau tiêm chủng, có 17 trường hợp trong chương trình tiêm chủng mở rộng và 1 trường hợp trong tiêm chủng dịch vụ. Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng ghi nhận tại 5 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội (8), Sơn La (6), Nam Định (1), Đà Nẵng (1) và Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
Trong số này, có 13 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc-xin 5 trong 1 (1 trường hợp sau tiêm vắc-xin ComBE Five và 12 trường hợp sau tiêm vắ- xin do SII sản xuất) trên tổng số 923.487 liều vắc-xin 5 trong 1 sử dụng.
Trong số các trường hợp đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng thì có 7 trường hợp phản ứng phản vệ do đặc tính cố hữu của vắc-xin (63,6%); 1 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên (9,1%); 3 trường hợp không rõ nguyên nhân (27,3%).
Không có trường hợp nào thuộc một trong 3 nhóm nguyên nhân: do chất lượng của vắc-xin, do thực hành tiêm chủng, do lo sợ. Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại