Khai thác cát trái phép, nhiều thủ đoạn tinh vi che mắt cơ quan quản lý
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐiểm tạm giữ phương tiện vi phạm đường thủy tại khu vực cảng Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: G.B |
Hàng loạt bến, bãi không phép
Trước thực trạng vi phạm về pháp luật đê điều, thủy lợi trên địa bàn TP không có điểm dừng, ngày 30-3-2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm về pháp luật đê điều, thủy lợi trên địa bàn TP.
Theo thống kê của Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, TP hiện còn 126/146 bãi tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động không phép, sai phép trên tổng diện tích hơn 90ha đất, nằm ven các sông: Hồng, Đà, Đuống, Công, Cầu...
Thời điểm tháng 9 -2020, Đoàn khảo sát của HĐND TP Hà Nội thị sát công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và quản lý bến thủy nội địa tại nhiều quận, huyện, trong đó có quận Bắc Từ Liêm và huyện Phúc Thọ.
Tại quận Bắc Từ Liêm, báo cáo của đại diện quận với đoàn công tác cho thấy toàn quận có 33 bến, bãi trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, trong đó có 5 bãi được cấp phép đến năm 2021. Về phía quận đã kiểm tra, đình chỉ hoạt động của 15 bãi trung chuyển vật liệu xây dựng không phép, lập hồ sơ xử lý vi phạm và tạm giữ nhiều phương tiện vận chuyển cát trái phép. Như vậy, vẫn còn tới 13 bến, bãi hoạt động không phép, vẫn có hiện tượng khai thác cát lòng sông trái phép.
Ghi nhận thực tế tại huyện Phúc Thọ cho thấy, tuyến sông Hồng chảy qua địa bàn dài tới 12km. Báo cáo của lãnh đạo huyện với Đoàn khảo sát của HĐND TP Hà Nội khẳng định không có đơn vị nào được cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông. Ở thời điểm này, Phúc Thọ có 9 bến thủy nội địa, nơi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, bến khách ngang sông nhưng mới có 2/9 bến bãi chấp hành dừng hoạt động. Mặc dù đã hết hạn cấp phép, song 7 bến bãi vẫn hoạt động, không bảo đảm các quy định về an toàn hệ thống kè phòng hộ, việc neo đậu phương tiện, tàu thuyền trong phạm vi kè phòng hộ và có hiện tượng xe quá tải đi trên đê.
Thống kê của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho thấy, trong 10 tháng của năm 2020 đơn vị này đã lập biên bản vi phạm hành chính 7.891 trường hợp, phạt tiền trên 31 tỷ đồng, tạm giữ 114 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 832 trường hợp. Chỉ trong tháng 10-2020, Thanh tra Sở đã lập biên bản vi phạm hành chính 765 trường hợp, phạt tiền gần 2,5 tỷ đồng, tạm giữ 4 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 57 trường hợp.
Nhiều thủ đoạn vi phạm tinh vi
Đánh giá của CA TP Hà Nội cho thấy, Hà Nội là địa bàn có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng và hiện có 08 tổ chức được cấp giấy phép khai thác cát bãi nổi trên sông Hồng. Tuy nhiên, do lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác cát bãi nổi thấp, cho nên một số DN, tổ chức không khai thác hoặc hạn chế khai thác cát bãi nổi mà chuyển sang khai thác trái phép cát dưới lòng sông bằng tàu hút…
Điển hình như: khoảng 02g00 ngày 26-5-2020, CA TP đã đồng loạt kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái phép trên sông Hồng, đoạn chảy qua địa bàn các quận, huyện: Bắc Từ Liêm (phường Thượng Cát, Đông Ngạc), Tây Hồ (phường Phú Thượng) và Đông Anh (xã Đại Mạch, Võng La). Lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt, thu giữ 13 tàu cát (05 tàu chở cát, 08 tàu hút), 34 đối tượng đang có hoạt động khai thác trái phép cát trên sông Hồng, với khoảng 1.500m3 cát trên các tàu; kiểm tra 04 bãi trung chuyển, tập kết cát của các đối tượng (03 bãi trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, 01 bãi trên địa bàn huyện Đông Anh) phát hiện đang tập kết khoảng 30.000 - 50.000m3 cát/1 bãi, thu giữ nhiều sổ sách, giấy tờ liên quan.
Qua đấu tranh, làm rõ hành vi vi phạm, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập, CA TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 05 vụ án, 29 bị can về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.
Cũng theo CA TP Hà Nội, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên, khoáng sản rất tinh vi và đa dạng. Đối với các mỏ được cấp phép khai thác tại bãi nổi, một số cá nhân lợi dụng vị trí được cấp giấy phép khai thác cát bãi nổi, trong quá trình hoạt động khai thác đã tự ý đưa tàu hút vào hoạt động khai thác cát trên sông, giáp với khu vực mỏ được cấp phép.
Đối với hoạt động khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, đối tượng thường xuyên thay đổi quy luật, thời gian, địa bàn hoạt động; lợi dụng những ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ của các cơ quan quản lý và lực lượng chức năng; lợi dụng đêm tối, rạng sáng để khai thác cát, sỏi trái phép, thậm chí thuê người cảnh giới từ xa để tránh sự phát hiện, kiểm tra, bắt giữ của các lực lượng chức năng…
Ngang nhiên hơn, không ít đối tượng còn khai thác cát ngay sát vị trụ sở CSGT đường thủy. Năm 2019, PL&XH từng có loạt bài phản ánh hoạt động khai thác cát trái phép của gần 10 tàu hút cát, vị trí hoạt động ngay sát trụ sở Đội CSGT đường thủy số 1, đoạn sông Hồng chảy qua địa bàn thị xã Sơn Tây. Thời điểm hoạt động gần 22g đêm chứ không phải đợi tới mờ sáng.
Đáng chú ý, không ít chủ tàu, thuyền khai thác cát còn sử dụng lao động không có hợp đồng, không có giấy tờ tùy thân, thường là các đối tượng ngoại tỉnh, chưa có tiền án, tiền sự về hành vi khai thác khoáng sản trái phép, cho ăn, ở, sinh hoạt trên tàu, hoạt động lưu động trên các tuyến sông. Quá trình lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ, các đối tượng khai thác cát trái phép còn có các biểu hiện chống đối như: nhanh chóng rút ống hút, sên, chõ bỏ chạy sang địa phận giáp ranh; tắt máy, bỏ lại tàu, thuyền, nhảy xuống sông bỏ trốn...
Tính riêng trong năm 2020, các lực lượng chức năng CA TP đã phát hiện, bắt giữ 97 vụ/139 đối tượng, tạm giữ 05 máy xúc, 01 máy cày tự chế gàu xúc, 01 ô tô, 01 công nông, 12 tàu hút vỏ xi măng, 82 tàu hút vỏ sắt; đã khởi tố 08 vụ, 32 bị can, xử lý hành chính 71 vụ, tịch thu 973,406 m3 cát đen do khai thác trái phép; tiếp tục điều tra, xác minh 18 vụ...
Tình hình vi phạm về pháp luật đê điều, thủy lợi trên địa bàn TP ngày một phức tạp nên trong Chỉ thị số 07/CT-UBND của UBND TP Hà Nội nhấn mạnh tới việc chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát, có phương án quản lý, sử dụng đất tại các khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích… |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại