Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền: doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng yên tâm mua sắm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Khách hàng có thể yêu cầu xuất hóa đơn điện tử ngay tại chỗ theo mã QR code. Ảnh: NS |
Người bán hàng nâng cao được chất lượng phục vụ, người tiêu dùng yên tâm
Những nhóm đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến giao dịch với người tiêu dùng, gồm: Kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn; bán lẻ hàng hóa tại các trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng; kinh doanh vàng bạc; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ khác (dịch vụ vui chơi giải trí, vé cầu đường, vé xe buýt, vé tham quan, du lịch…).
Mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị đã là thói quen của nhiều người tiêu dùng từ lâu. Ngoài những tiện ích tập trung về giải trí, nghỉ ngơi, ăn uống thì giá cả cũng được công khai trên từng mặt hàng, cũng như có hóa đơn đầy đủ.
Lựa chọn một vài đồ dùng cần thiết cho gia đình tại TTTM Aeon Mall Long Biên, chị M.H (quận Long Biên – Hà Nội) cũng đã tự nhẩm tính được số tiền mình cần phải trả và cũng chỉ cần mất vài phút là có thể thanh toán xong, hình thức thanh toán linh động, hóa đơn, giá cả rõ ràng.
Hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có nhiều tính thuận lợi, thông tin, giá cả, thuế suất được công khai. Ảnh: NS |
“Từ thực phẩm cho đến quần áo, sau khi mua đều có phiếu tính tiền, thuế suất rõ ràng trên từng mặt hàng. Mình có thể rà soát lại được tất cả số lượng hàng hóa đã mua, so sánh được giá giữa các mặt hàng cùng loại khi mua tại các cửa hàng khác” - chị H. chia sẻ.
Tại một siêu thị sách, cảnh mua bán cũng diễn ra tương tự. Cả hàng ngàn đầu sách, hàng trăm loại bút.. cùng với đó là đồ chơi, đồ lưu niệm...lượng khách ra vào tấp nập nhưng nhờ niêm yết giá và quản lý bằng hệ thống điện tử nên khách hàng thoải mái lựa chọn. Sau khi chọn các loại sách mình cần, khách hàng chỉ việc ra quầy tính tiền, tất cả các danh mục đều quản lý bằng mã vạch. Hoá đơn mua hàng thể hiện rõ giá trị từng sản phẩm, người mua có thể kiểm tra lại ngay sau khi thanh toán nên vừa yên tâm lại rất tiện lợi.
“Hàng hóa trong siêu thị luôn được niêm yết giá rõ ràng, ở một số nơi còn sẵn sàng xuất hóa đơn VAT, quá trình mua bán vì thế được diễn ra rất công khai, minh bạch. Người mua còn tha hồ lựa chọn vì nguồn hàng rất đa dạng, phong phú. Đặc biệt là phần lớn hàng hóa trong siêu thị đều đảm bảo chất lượng, không xô bồ” - một khách hàng chia sẻ trải nghiệm mua sắm tại GO! Long Biên.
Hà Nội đạt kết quả cao trong triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế
Tại cuộc họp trực tuyến về các nội dung liên quan đến áp dụng hoá đơn điện tử từ máy tính tiền diễn ra vào hồi tháng 4/2024 vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, kết quả đến hết ngày 29/3/2024, đã có trên 50.303 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng, số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là trên 252,8 triệu hóa đơn.
Như vậy, sau hơn một năm thực hiện HĐĐT từ máy tính tiền, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, làm tiền đề cho việc tiếp tục mở rộng triển khai các giải pháp nhằm quản lý lĩnh vực bán lẻ, chống thất thu thuế, tăng cường quản lý sử dụng HĐĐT, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Một số cục thuế địa phương đạt kết quả về tổng thể tốt như TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Ninh…
Đối với các trường hợp hộ kinh doanh bán hàng tạp hóa, theo Tổng cục Thuế, để triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế, người nộp thuế cần đáp ứng các điều kiện như sau: Có thể thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương pháp điện tử như sử dụng chữ ký số, tài khoản giao dịch thuế điện tử; bảo đảm cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin như máy tính, thiết bị điện tử kết nối internet, email; sử dụng phần mềm lập/quản lý hóa đơn điện tử gửi dữ liệu đến người mua và cơ quan thuế.
Khởi tạo từ máy tính tiền tạo nhiều thuận lợi, giúp tiết kiệm thời gian cho người bán và khách hàng. Bên cạnh đó, người nộp thuế cũng chủ động hơn trong việc điều chỉnh sai sót do hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được gửi vào cuối ngày chứ không phải gửi từng hóa đơn như loại hóa đơn có mã thông thường trước đây.
Mặt khác, việc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng khi có yêu cầu lấy hóa đơn để bảo hành sản phẩm; xử lý các tranh chấp trong quá trình giao dịch cũng như tham gia dự thưởng chương trình hóa đơn may mắn của cơ quan thuế.
Cũng theo số liệu từ Cục Thuế TP Hà Nội, tính đến ngày 31/12/2023, trên địa bàn Hà Nội có 6.066 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và được cơ quan thuế chấp nhận, với số lượng hóa đơn đã xuất là 15.332.447 hóa đơn. Trong thời gian tới, Cục Thuế TP Hà Nội sẽ xây dựng các giải pháp công nghệ để phù hợp với nhiều loại hình đối tượng triển khai, nhất là đối với các trường hợp cơ sở kinh doanh khách sạn, siêu thị liên doanh liên kết với các đơn vị nước ngoài, đang sử dụng hệ thống phần mềm quốc tế. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều hành triển khai hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế để giải quyết, hỗ trợ các trường hợp vướng mắc về chính sách, giải pháp kết nối khi sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. |
Giúp các doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp công nghệ hiện đại |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại