Hình phạt nào cho hành vi mua bán con đẻ?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên2 bị cáo Thạch Thị Kim Nhung và Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn tại tòa. Ảnh: N.L |
Bán con với giá 20 triệu đồng
“Hổ dữ không ăn thịt con” tuy nhiên, hiện có nhiều những vụ cha mẹ đem chính con đẻ của mình đi bán khiến dư luận không khỏi bất ngờ và căm phẫn. Trước đó ngày 4/12/2022, lực lượng Phòng CSHS CA tỉnh Trà Vinh phát hiện Nguyễn Hữu Dương (30 tuổi, trú tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) bế bé gái sơ sinh (khoảng 50 ngày tuổi), thuê xe ô tô con do một thanh niên điều khiển đi về hướng cầu Cổ Chiên qua Bến Tre có dấu hiệu nghi vấn nên nhanh chóng phối hợp CA tỉnh Bến Tre đón dừng phương tiện kiểm tra. Khi xe đi đến địa phận xã An Khánh, huyện Châu Thành, Bến Tre, lực lượng CA ra hiệu lệnh dừng phương tiện. Qua kiểm tra, phát hiện trên người Dương có nhiều loại giấy tờ như giấy cam kết cho con, biên bản về việc nhặt em bé bị bỏ rơi, giấy chứng sinh có chữ ký và đóng dấu đỏ của một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh... Lực lượng CA tiến hành lập biên bản và đưa Dương về CQCA làm việc.
Tại CQCA, Dương khai nhận, thông qua mạng xã hội Facebook, Dương kết nối với Thạch Thị Kim Nhung (20 tuổi, trú tại khóm 4, P.9, TP Trà Vinh, Trà Vinh) và được Nhung đặt vấn đề muốn cho một trẻ sơ sinh làm con nuôi với giá 20 triệu đồng và được Dương đồng ý. Trưa ngày 4/12 Dương đón xe khách từ TP Hồ Chí Minh đến điểm hẹn tại khóm 1, P.8, TP Trà Vinh gặp Nhung.
Cùng thời gian đó, Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn (27 tuổi, trú tại Phú Giáo, Bình Dương) điều khiển xe máy chở Nhung và 2 con ruột của Nhung (1 bé 22 tháng tuổi và 1 bé 50 ngày tuổi) đến gặp Dương (Tuấn và Nhung sống chung như vợ chồng, không có đăng ký kết hôn). Trước đó, Nhung và Tuấn có thỏa thuận cho con với giá 20 triệu đồng. Tại đây, Nhung giao con cho Dương và được Dương đưa số tiền 18 triệu đồng. Sau đó, Dương thuê xe chở em bé về TP Hồ Chí Minh với ý định bán cho người khác thì bị phát hiện bắt giữ.
Có thể chịu mức án chung thân
Về hành vi này, luật sư Nguyễn Thị Mai – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hành vi bán con đẻ không chỉ xâm hại đến quyền trẻ em mà còn tác động xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước ta. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận bảo đảm và bảo vệ các quyền trẻ em, trong đó có quyền sống, quyền được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục bởi cha mẹ, những người thân cho đến khi trưởng thành.
Pháp luật nghiêm cấm hành vi mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Cụ thể, Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 nghiêm cấm các hành vi: "bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em". Người nào vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định: cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Bởi vậy trường hợp người mẹ không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con mình thì không chỉ vi phạm đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật. “Việc mua bán trẻ sơ sinh như tình huống kể trên đã đủ yếu tố cấu thành tội mua bán người dưới 16 tuổi, là trường hợp đặc biệt của tội mua bán người. Hành vi này có thể bị phạt tù từ 07 năm đến chung thân tùy theo các trường hợp, mức độ cụ thể” – theo luật sư Mai.
Luật sư Mai cũng dẫn chứng cụ thể, vụ án kể trên đã được Tòa án Nhân dân tỉnh Trà Vinh mở phiên xét xử sơ thẩm ngày 15/1. Tại tòa, hai bị cáo Thạch Thị Kim Nhung và Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn, cùng trú tại xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, là cha mẹ ruột của nạn nhân thừa nhận đã bán con cho người khác mà không quan tâm mục đích, hoàn cảnh của người mua. Tuấn và Nhung cho rằng, thực hiện hành vi bán con do hoàn cảnh nghèo khó, định lấy số tiền bán con út để nuôi 3 đứa con còn lại.
Sau khi xem xét các tình tiết của vụ án, căn cứ tính chất, mức độ phạm tội, Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn 13 năm tù, Thạch Thị Kim Nhung 10 năm tù. “Qua vụ việc trên cho thấy, một bộ phận giới trẻ hiện nay sống thiếu trách nhiệm, buông thả, coi nhẹ chuẩn mực đạo đức xã hội. Chỉ vì mưu cầu, lợi ích cá nhân, vì tính ích kỷ của bản thân mình mà sẵn sàng bán cả đứa con do mình rứt ruột đẻ ra. Hành vi của người phụ nữ trong trường hợp này là rất đáng trách, đáng lên án và luôn có bản án nghiêm minh, thích đáng để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội” – luật sư Mai nói.
Triệt xóa nhóm mua bán các nữ tiếp viên karaoke liên tỉnh | |
Kẻ bán người hầu tòa sau 30 năm gây án | |
Phá đường dây mua bán phụ nữ núp bóng môi giới hôn nhân |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại