Hệ lụy của ảo tưởng quyền lực trên mạng xã hội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Trên thực tế, một số người cho rằng, trang cá nhân trên mạng xã hội là của mình nên muốn nói gì cũng được. Các đối tượng công khai thách thức dư luận, ảo tưởng mình là “người hùng” trên cõi mạng. Thậm chí, họ tự cho phép mình dùng những lời lẽ sỉ nhục, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Đặc biệt, họ đưa ra những thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật gây nhiễu loạn cộng đồng. Cùng với sự tung hô của cộng đồng mạng, họ lầm tưởng mình mang một sứ mệnh, quyền lực được mạng xã hội trao cho. Nhưng không, họ đều phải trả giá cho hành vi của mình.
Ngày 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng bị CA TP HCM khởi tố và bắt tạm giam vì hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" sau một loạt các cuộc livestream "thóa mạ, kết án nhiều cá nhân " có hàng nghìn người theo dõi.
Ngày 15/4, Đặng Như Quỳnh, người có lượng lớn người theo dõi bị khởi tố vì các bài viết trên Facebook hàm ý về một số cá nhân đại diện các Cty đang niêm yết trên sàn chứng khoán sắp bị xử lý hình sự; gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, làm thiệt hại về kinh tế, uy tín của tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư.
Tôi nhận ra rằng, một hiện tượng cần lên án chính là những người vào hùa, a dua, khích lệ đối tượng ảo tưởng quyền lực cứ việc “bon mồm” rủa sả, chửi bới như “lên đồng”. Thế rồi, “hết khôn dồn dại”, họ đã chạm vào những “vùng cấm” liên quan đến quy định của pháp luật và vướng vào vòng lao lý. Đôi khi, tôi tự hỏi: “Không biết những người đã cổ vũ cho CEO Nguyễn Phương Hằng đã ở đâu khi bà ta phải tra tay vào còng vì những phát ngôn vi phạm pháp luật của mình?”.
Chúng ta đừng nghĩ mạng “ảo” nên tự cho phép mình “loạn ngôn” trên trang cá nhân. Pháp luật ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến của công dân nhưng bạn cần phải tuân thủ đúng Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, hết sức thận trọng khi đưa ra phán xét tổ chức, cá nhân nào đó.
Vừa qua, Nhà nước đã có một loạt các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng; Luật Viễn thông; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Dân sự hay gần nhất là Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, người có ảnh hưởng tới công chúng... để điều chỉnh phát ngôn, hành vi, ứng xử và cả sản phẩm văn hóa trên không gian mạng. Thiết nghĩ, mỗi người dân cần hiểu rõ các Luật liên quan đến phát ngôn trên mạng xã hội để trở thành một người sử dụng mạng xã hội có văn hóa với cách ứng xử văn minh, bản lĩnh vững vàng. Mọi sự ảo tưởng quyền lực trên mạng xã hội đều phải trả giá bằng luật pháp ngoài đời thực.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại