“Hậu Pháo” và các đồng phạm đối diện hình phạt nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị can Nguyễn Văn Hậu (“Hậu Pháo”) và các đồng phạm. (Ảnh: BCA) |
Ngày 26/2, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan; khởi tố, bắt tạm giam đối với 6 bị can gồm: Nguyễn Văn Hậu (tên thường gọi “Hậu Pháo”, SN 1981, nơi ở hiện nay: phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn); Nguyễn Thị Hằng (SN 1977, là Phó Tổng giám đốc); Đỗ Thị Mai (SN 1985, Kế toán trưởng); Hoàng Thị Tuyết Hạnh (SN 1987, Kế toán viên); Trần Hữu Định (SN 1981, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Á Group) và Nguyễn Hồng Sơn (SN 1995, lao động tự do).
Các bị can trên bị khởi tố vì đã có các hành vi giả mạo, khai man, để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, tài sản liên quan... gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, phạm vào khoản 3 Điều 221- BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Sau khi VKSND tối cao phê chuẩn các Quyết định, Lệnh tố tụng nêu trên, CQ CSĐT Bộ Công an đã tống đạt, triển khai thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục khẩn trương điều tra xác minh, củng cố tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, hành vi của các đối tượng liên quan, xác minh tài sản để thu hồi, kê biên triệt để theo đúng quy định của pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán; Dụ dỗ, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật; Để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán; Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ quy định của Luật kế toán; Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên nhằm bỏ ngoài sổ kế toán tài sản, nguồn vốn, kinh phí của đơn vị kế toán.
Từ đó xâm phạm đến sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kế toán, gây mất trật tự và khó kiểm soát hoạt động kế toán của cơ quan chức năng.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, trong vụ án này các cá nhân bị khởi tố đã thực hiện hành vi với lỗi cố ý, những đối tượng này biết rõ việc làm của mình là không được phép làm, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn cố ý thực hiện nhằm mục đích cá nhân hoặc mục đích khác.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái viện dẫn, mức phạt đối với “Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 221, BLHS năm 2015 sẽ có 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung, tùy vào mức độ của hành vi phạm tội và hậu quả gây ra sẽ có khung hình phạt khác nhau.
Theo đó, khung 1, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm nếu gây thiệt hại từ 100 đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi vi phạm kế toán mà còn vi phạm.
Khung 2, phạt tù từ 3 năm đến 12 năm đối với người phạm tội vì vụ lợi, có tổ chức, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây thiệt hại từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng. Khung 3, phạt tù từ 10 năm đến 20 năm đối với người phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, đây là hình phạt bổ sung.
Như vậy, tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” có mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.
Khởi tố 6 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại