Hàng không đang trên đà báo hiệu phục hồi mạnh mẽ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSân bay Nội bài tấp nập hành khách báo hiệu sự phục hồi ngành hàng không sau đại dịch |
Hàng không mở cửa
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 15-2-2022 đã có các chuyến bay thường lệ chở khách giữa Việt Nam với một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Australia, Đức, Nga, Pháp, Anh, Mỹ, Hồng Kông, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, UAE.
Hiện 4 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác đường bay quốc tế thường lệ gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines. Các hãng nước ngoài đang khai thác đường bay thường lệ kết nối với Việt Nam gồm: Nhật Bản có 2 hãng, Hàn Quốc có 2 hãng, Đài Loan (Trung Quốc) 3 hãng, Trung Quốc 2 hãng, Singapore có 3 hãng, Malaysia có 2 hãng, Thái Lan có 3 hãng, Campuchia 1 hãng, Hồng Kông 2 hãng; Qatar, UAE, Thổ Nhỹ Kỳ, Pháp mỗi nước 1 hãng.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trước khi mở lại các đường bay quốc tế thường lệ, trung bình khách quốc tế đi/đến Việt Nam khoảng từ 40.000-50.000 khách/tháng. Từ 1-1 đến nay, Vietnam Airlines đã nối lại 24 đường bay đến 15 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đồng thời triển khai tăng thêm tuần suất 1-2 chuyến/tuần khai thác đến các điểm Châu Âu như Frankfurt (Đức), Moscow (Nga), Sydney (Australia) để phục vụ nhu cầu đi lại giữa 2 nước.
Từ ngày 15-2, khi Việt Nam không hạn chế tần suất khai thác các đường bay quốc tế thường lệ đến tất cả thị trường là tiền đề thuận lợi để các hãng hàng không khôi phục, mở rộng mạng bay quốc tế, chuẩn bị đón đầu nhu cầu du lịch quốc tế trong thời gian tới. Dự kiến từ tháng 4-2022, Vietnam Airlines sẽ nâng tổng số chuyến khai thác trên toàn mạng quốc tế lên ít nhất 95 chuyến bay/tuần và từ tháng 7-2022 là ít nhất 164 chuyến bay/tuần.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Đinh Việt Thắng - ghi nhận số lượng khách bay hơn 1 tháng qua chủ yếu là khách bay thương mại, tức là khách đi làm kinh tế, công vụ, đặc biệt là khách hồi hương. Trong thời gian vừa qua chúng ta chưa thu hút được khách du lịch, vì vậy, để đảm bảo các yêu cầu cấp bách khôi phục lại và để đảm bảo cho hoạt động bình thường cho ngành Hàng không sau thời gian dài gặp khó khăn, chúng ta bắt buộc phải khôi phục thị trường khách du lịch.
Đối với thị trường quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, hành khách quốc tế nói chung và công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nói riêng đã có thể nhập cảnh Việt Nam qua các chuyến bay thường lệ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Đài Loan- Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Hoa Kỳ, Australia, Anh, Pháp, Đức, Nga và không thường lệ từ Hongkong (Trung Quốc), Malaysia, Qatar, Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE, Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không đã triển khai các hãng hàng không nhận khách đảm bảo đơn giản hóa thủ tục liên quan đến hàng không và hành khách chỉ tuân thủ các quy định về nhập cảnh, kiểm soát y tế theo quy định của các cơ quan liên quan.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings cho rằng, hàng không đóng vai trò tiên quyết trong việc mở cửa du lịch quốc tế, khi khách du lịch đi lại bằng đường hàng không chiếm tỉ trọng lớn, nhất là du khách quốc tế. Do đó, muốn mở cửa giao thương, đi lại, du lịch thì hàng không phải đi đầu.
Cú hích về mở cửa du lịch
Việc dỡ bỏ hạn chế tần suất khai thác các đường bay quốc tế thường lệ đến tất cả thị trường, trở lại bình thường như trước dịch Covid-19 kể từ ngày 15-2 và mở cửa đón khách du lịch từ 15-3 là động thái rất tích cực tạo tiền đề cho cú hích về mở cửa du lịch quốc tế.
Khi toàn bộ mạng bay quốc tế của Vietnam Airlines được phục hồi khai thác trở lại như giai đoạn trước đại dịch Covid-19, với tần suất bay đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu và giờ bay phù hợp với mọi đối tượng hành khách.
Hiện Vietnam Airlines đã bắt tay cùng các đơn vị lữ hành, tổ chức tour chuyên nghiệp xây dựng và phát động trở lại thị trường du lịch cho người Việt đầu tiên tới các nước đã dỡ bỏ hạn chế về quy định phòng chống dịch bệnh và không yêu cầu visa (như khu vực Đông Dương, Đông Nam Á).
Với mục tiêu phát triển các thị trường tiềm năng và tiếp tục nghiên cứu triển khai các đường bay mới, tiến tới kế hoạch nâng tổng quy mô mạng bay quốc tế lên 40 đường trong năm 2022.
Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways - ông Nguyễn Khắc Hải - cho biết, việc củng cố và mở rộng đội bay hiện đại của hãng sẽ là bước đệm để hãng mở rộng mạng bay xuyên lục địa, kết nối Việt Nam với các thị trường tầm trung và tầm xa. Ông Hải cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh sức mạnh nội tại, thực hiện những bước tiến mới nhằm khai thác các tuyến bay quốc tế một cách hiệu quả, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của hành khách, đồng thời góp phần vào công cuộc thúc đẩy và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.
Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA): Hàng không là động lực phát triển kinh tế. Hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP quốc gia 1%. Trước đại dịch, hằng năm, doanh thu vận tải hàng không tăng bình quân 15%-20%. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại