Hà Nội: Xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 |
Kế hoạch nêu rõ, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành xác định rõ việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, thường xuyên, lâu dài và đây cũng là một trong các tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hằng năm. Cùng với đó, gắn công tác phòng, chống tham nhũng với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện hiệu quả Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”.
Đồng thời, cần xác định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, trước hết là người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những người có hành vi tham nhũng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng; ngăn chặn, xử lý, đẩy lùi các hiện tượng, hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực.
Để thực hiện có hiệu quả nội dung trên, kế hoạch cũng xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; thực hiện nghiêm công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập để phòng ngừa tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra phát hiện và xử lý tham nhũng; nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế và đối thoại về phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác trên, UBND thành phố giao Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị trực thuộc UBND thành phố; giám đốc các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố thường xuyên theo dõi, chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đồng thời, thực hiện chế độ thông tin báo cáo kịp thời, đầy đủ.
UBND thành phố cũng giao các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan có trách nhiệm rà soát các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy trình nghiệp vụ công tác để ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại