Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi từ ngày 14/10
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChiến dịch tiêm vaccine sởi tại Hà Nội sẽ được triển khai từ ngày 14/10 tới. (Ảnh: T.D) |
Đây là nỗ lực lớn của UBND TP Hà Nội nhằm ngăn chặn dịch sởi lây lan và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh dịch sởi có xu hướng gia tăng trong thời gian qua.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2012 đến 2024, dịch sởi tại Hà Nội có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong các năm 2014 và 2019 với lần lượt 1.741 và 1.765 ca mắc. Tuy số ca mắc sởi giảm dần từ năm 2020 trở lại đây, nhưng từ đầu năm 2024, thành phố đã ghi nhận 17 trường hợp mắc sởi.
Các chiến dịch tiêm vaccine bổ sung trong những năm qua đã giúp kiểm soát dịch hiệu quả. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi và sởi-rubella luôn đạt trên 85%, chứng tỏ ý thức của người dân về vai trò quan trọng của tiêm chủng.
Đặc biệt, năm 2024, UBND TP Hà Nội đã triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm chủng phòng chống dịch sởi thông qua Kế hoạch số 278/KH-UBND.
Chiến dịch tiêm chủng năm nay tập trung vào trẻ từ 1-5 tuổi và nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh sởi chưa được tiêm đủ mũi. Mục tiêu là trên 95% trẻ từ 1-5 tuổi đang sống trên địa bàn Hà Nội sẽ được tiêm 1 mũi vaccine sởi - rubella (MR), giúp bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai của thành phố.
Chiến dịch sẽ diễn ra từ ngày 14/10/2024 tại tất cả 579 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Các điểm tiêm chủng bao gồm trạm y tế, trường mầm non, mẫu giáo và các điểm tiêm lưu động khác phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Sở Y tế và Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội nghị liên ngành để triển khai kế hoạch tiêm chủng. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - Vũ Cao Cương nhấn mạnh sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để chiến dịch tiêm chủng diễn ra an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng.
Các đơn vị liên quan đang tập trung rà soát để 100% đối tượng trong diện tiêm chủng được lập danh sách đầy đủ trước ngày 14/10. Đồng thời, công tác tập huấn chuyên môn y tế cũng được chú trọng, từ việc điều tra đối tượng, bảo quản vaccine, tổ chức tiêm chủng, đến giám sát và xử lý các phản ứng sau tiêm.
Một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công của chiến dịch là công tác tuyên truyền. Các đơn vị liên quan sẽ đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của vaccine và ý nghĩa của tiêm chủng, nhằm tạo sự đồng thuận và hưởng ứng từ người dân.
Tiêm vaccine không chỉ bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn góp phần tạo nên "lá chắn" cộng đồng, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.
Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại