Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" |
Công văn nêu rõ, để để triển khai hiệu quả cuộc vận động trong thời gian tới, các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để từng cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tiếp tục triển khai tuyên truyền về cuộc vận động trong hệ thống chính trị, cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân với các hình thức phong phú, đa dạng.
Nghiên cứu, rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn Thành phố; trước hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia các chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất - cung ứng - dịch vụ giá trị cao, tiêu dùng bền vững; ưu tiên sử dụng hàng hóa, nguyên vật liệu do Việt Nam sản xuất.
Thành phố yêu cầu tăng cường tiếp xúc, trao đổi thông tin với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đơn vị sản xuất... nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị nắm rõ, tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và thành phố, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng Việt và các sản phẩm hàng hóa tiêu biểu, được người tiêu dùng yêu thích của doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn thành phố. Phối hợp xây dựng các chương trình và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng để đưa hàng Việt chiếm thị phần tương xứng trong hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Thành phố.
UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh, các hoạt động thương mại hiện đại kết hợp hài hòa với các kênh, hoạt động thương mại truyền thống.
Tiếp tục mở rộng mạng lưới điểm bán hàng cố định, lưu động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi; giới thiệu và quảng bá sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn, các sản phẩm doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưu thích, kết nối đưa các sản phẩm OCOP của các địa phương vào siêu thị.
Chủ động phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm tại chuỗi các cửa hàng tiện ích, hệ thống bán lẻ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kinh doanh hàng kém chất lượng.
Thực hiện chính sách bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xử lý nghiêm các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng..., tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại