Chủ nhật 24/11/2024 08:08

Hà Nội: Tháo gỡ những bất cập trong quản lý, xây dựng chợ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, theo quy định, TP Hà Nội chỉ đầu tư chợ đầu mối, việc đầu tư các chợ còn lại được phân cấp cho các địa phương. Tiến độ xây dựng chợ theo quy hoạch còn chậm và hình thức đầu tư chủ yếu bằng ngân sách nhà nước. Trong đó, các chợ dân sinh tại các quận, huyện, thị xã có quy mô nhỏ, cho nên rất khó thu hút vốn xã hội hóa.
Để TP Hà Nội phát triển được hệ thống chợ văn minh, hiện đại, cần có các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ những bất cập từ xây dựng cơ chế, chính sách đến sự hợp tác, đồng thuận của tiểu thương. Ảnh: Tuyết Nhi
Để TP Hà Nội phát triển được hệ thống chợ văn minh, hiện đại, cần có các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ những bất cập từ xây dựng cơ chế, chính sách đến sự hợp tác, đồng thuận của tiểu thương. Ảnh: Tuyết Nhi

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 453 chợ, trong đó đã phân hạng được 421 chợ; 8 chợ phải cải tạo hệ thống phòng cháy chữa cháy và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng; 24 chợ đề nghị không phân hạng do chờ giải tỏa.

Bên cạnh đó, đã chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác được 171 chợ, các chợ còn lại do các ban quản lý, tổ quản lý hoặc xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý.

Tuy nhiên, tại một số địa bàn của các quận, huyện vẫn chưa có chợ hoặc số lượng chợ chưa đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Một số chợ có hệ thống điện, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, kết cấu công trình... bị xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; việc thiếu chợ hoặc chợ không thuận tiện cũng góp phần phát sinh chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông... Hiện nay, trên địa bàn còn 40 chợ cóc cần phải giải tỏa.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do việc triển khai quy hoạch chợ còn chậm. Chuyển đổi mô hình chợ cũng gặp nhiều khó khăn, muốn chuyển sang hình thức xã hội hóa, nhưng không thể giao cho doanh nghiệp vì phần đất vẫn là đất công, khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia đầu tư.

Ngoài ra, cơ chế đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cũng còn không ít vướng mắc, việc quản lý phức tạp nên các chợ gặp khó khăn trong cải tạo, nâng cấp.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, TP Hà Nội sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Trong đó, năm 2023 sẽ xây mới 48 chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ. Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn chưa bảo đảm đúng tiến độ đề ra. "Đến nay, mới có 6 chợ đã triển khai thi công; 4 chợ hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư; các chợ còn lại vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, theo quy định TP chỉ đầu tư chợ đầu mối, việc đầu tư các chợ còn lại được phân cấp cho các địa phương. Tiến độ xây dựng chợ theo quy hoạch còn chậm và hình thức đầu tư chủ yếu bằng ngân sách nhà nước. Trong đó, các chợ dân sinh tại các quận, huyện, thị xã có quy mô nhỏ, cho nên rất khó thu hút vốn xã hội hóa.

“Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng chợ dân sinh ở các quận, huyện, thị xã. Đây cũng là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Những địa phương nào gặp khó khăn về ngân sách đầu tư cần sớm báo cáo TP để có phương án tháo gỡ”, ông Lê Anh Quân nói.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh chợ ở Hà Nội không khó, do lợi ích của việc này rất rõ ràng, quan trọng là cơ chế. Cùng với đó, cần công khai, minh bạch các dự án phát triển chợ như vị trí, diện tích, công năng, quy hoạch, cơ chế đầu tư, các quyền lợi, nghĩa vụ của các bên có liên quan... góp phần tạo sự đồng thuận xã hội ở mức cao nhất.

Vai trò quan trọng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong công tác quản lý đất đai Vai trò quan trọng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong công tác quản lý đất đai
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao
Chủ trương kịp thời, phát huy hiệu quả trong công tác quản lý đô thị Chủ trương kịp thời, phát huy hiệu quả trong công tác quản lý đô thị
Đào Tuyết
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động