Chủ nhật 24/11/2024 20:45

Hà Nội nghiên cứu xây dựng đường sắt đi các tỉnh lân cận

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chính phủ yêu cầu hoàn thành tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến Hà Nội - Hải Phòng thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tuyến vành đai phía đông - Hà Nội đoạn Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi.
Hà Nội nghiên cứu xây dựng đường sắt đi các tỉnh lân cận

Hà Nội nghiên cứu xây dựng đường sắt đi tới các tỉnh lân cận.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký, ban hành Nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có phương án xây dựng nghiên cứu lộ trình đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối Thủ đô với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc.

Ngoài các tuyến đường sắt từ Hà Nội đi 4 tỉnh trên, Chính phủ đồng thời yêu cầu nghiên cứu xây tuyến đường sắt đô thị Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Các tuyến metro tại Hà Nội cần sớm hoàn thành.

Các địa phương cần tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chính phủ yêu cầu hoàn thành tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến Hà Nội - Hải Phòng thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tuyến vành đai phía đông - Hà Nội đoạn Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi.

Trong vùng đồng bằng sông Hồng, hiện chỉ Hà Nội có đường sắt đô thị. Theo quy hoạch đến năm 2030, Thủ đô sẽ có 10 tuyến với tổng chiều dài 417km, trong đó đi trên cao 342km, ngầm 75km. Hiện chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành và vận hành thương mại sau 10 năm xây dựng.

Năm tuyến khác đang triển khai ở các giai đoạn. Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dự kiến khai thác đoạn trên cao cuối năm 2022 nhưng lỡ hẹn, toàn tuyến khánh thành năm 2027; tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang đề xuất điều chỉnh ga tổng mặt bằng ga C9, cạnh Hồ Gươm.

Hai tuyến số 3 ga Hà Nội đến Hoàng Mai và tuyến số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Hòa Lạc được thành phố thông qua chủ trương đầu tư. Tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi đang lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật.

Thành phố cũng đã giao nhiệm vụ Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) chuẩn bị các tuyến còn lại gồm: Nam Thăng Long - Nội Bài; Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; Cổ Nhuế - Vành Đai 3 - Lĩnh Nam - Bát Tràng - Dương Xá.

Hệ thống đường sắt vùng đồng bằng sông Hồng sẽ được nâng cấp, kết nối thông suốt với tuyến liên vận quốc tế. Tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân sẽ được hoàn thành. Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đoạn Hà Nội - Vinh sẽ được nghiên cứu xây dựng.

Tuyến đường bộ, mục tiêu được đặt ra, đến năm 2027, hoàn thành vành đai 4, mở rộng quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.

Đến năm 2030, phấn đấu đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch tuyến đường vành đai 5, vùng thủ đô, các tuyến cao tốc: Bắc - Nam phía tây, Ninh Bình - Hải Phòng, Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long và các đường song hành với các tuyến vành đai 4, vành đai 5 tại Hà Nam và các địa phương trong vùng.

Mở rộng các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Hòa Lạc - Hòa Bình…; nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ đạt cấp III, mở rộng tối thiểu 4 - 6 làn xe đối với đoạn qua đô thị, đường tỉnh cơ bản đạt cấp III, IV.

Một số quốc lộ trong danh mục cần ưu tiên cải tạo, nâng cấp và mở rộng gồm: Quốc lộ 6 đoạn Yên Nghĩa - Xuân Mai, Quốc lộ 21C đoạn Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính, Quốc lộ 38C, Quốc lộ 4B đoạn qua tỉnh Quảng Ninh, đường bộ ven biển qua Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, vành đai 5 đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc…

Tuyến đường thủy nội địa Hải Phòng - Quảng Ninh về Hà Nội, Việt Trì, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và tuyến ven biển Vạn Gia - Ka Long sẽ được cải tạo. Các bến mới tại khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và Quảng Ninh sẽ được đầu tư. Sân bay Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn sẽ mở rộng.

Ngoài ra, Chính phủ chủ trương phát triển mạnh các hành lang kinh tế vùng gồm: Hành lang Bắc Nam; Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; ven biển Quảng ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.

Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch cảng hàng không quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng thủ đô và khu vực phía Bắc.

Về mục tiêu tổng thể, Chính phủ yêu cầu hình thành các vùng động lực và khu vực phát triển công nghiệp, thương mại, tài chính, ngân hàng, dịch vụ, nông nghiệp hiệu quả cao, hữu cơ, tuần hoàn; phát triển dịch vụ, logistics.

Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, tài chính, ngân hàng, du lịch và đô thị thông minh.

Vùng nam đồng bằng sông Hồng được định hướng phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn. Phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển các khu kinh tế ven biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh gắn với bảo vệ môi trường.

Mô hình, cơ chế mới đặc thù sẽ được thí điểm, trong đó tập trung cho tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Rà soát hướng tuyến, nhà ga đường sắt cao tốc Bắc-Nam qua Hà Nội
Nghiên cứu đường sắt Bắc Nam tốc độ 250 km/h
Đầu tư xây dựng cao tốc từ Quốc lộ 21B đến cao tốc Hà Nội – Hoà Bình
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động