Hà Nội: Hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, không chỉ QLTT mà các lực lượng khác cũng gặp không ít khó khăn. Bởi, mặt trận chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT rất là rộng, biểu hiện ở nhiều góc độ, khía cạnh, ở nhiều chủng loại mặt hàng và hành vi vi phạm ngày càng tinh vi... |
Phát biểu tại tọa đàm “Nâng cao năng lực của cơ quan QLTT trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính” diễn ra sáng 22-10, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, trong suốt quá trình hoạt động, QLTT có 3 nhiệm vụ chính: Chống buôn lậu; chống gian lận thương mại và chống hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi các nhiệm vụ, không chỉ QLTT mà các lực lượng khác cũng gặp không ít khó khăn. Bởi, mặt trận chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất là rộng, biểu hiện ở nhiều góc độ, khía cạnh, ở nhiều chủng loại mặt hàng và hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.
Còn theo PGS.TS Tạ Văn Lợi - Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, khi Việt Nam gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do, nhất là những Hiệp định tự do thế hệ mới, thì cam kết về quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề đặt lên hàng đầu. Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của các nước phát triển là việc xác định sở hữu trí tuệ của các sáng chế, phát minh. Chỉ những quốc gia nào bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ thì nền kinh tế mới phát triển ổn định, vững mạnh.
Ví dụ như Nhật, Trung Quốc rất quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Còn tại Việt Nam, nền kinh tế đã mở cửa 200%, vậy làm thế nào để thực hiện các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia nhưng không cản trở sự phát triển của nền kinh tế mà vẫn phát huy được tài sản SHTT là một bài toán khó cho cả Chính phủ và các cơ quan chức năng thực thi.
Tham dự tọa đàm, ông Trịnh Quang Đức - Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội phân tích, năng lực của cơ quan chức năng chưa đủ mạnh ngang tầm nhiệm vụ được giao trong công tác đấu tranh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hiện nay, các hành vi sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn Hà Nội có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Các mặt hàng giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức. Trong khi nhận thức của người tiêu dùng chưa thật sự đầy đủ, nên việc phân biệt hàng thật - giả đang trở nên khó khăn đối với người tiêu dùng.
Trong khi đó, năng lực của cơ quan chức năng chưa đủ mạnh ngang tầm nhiệm vụ được giao trong công tác đấu tranh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, phương thức sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm về sở hữu trí tuệngày càng trở nên tinh vi, có tổ chức liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia và đa dạng, phong phú về hình thức, chủng loại nên rất khó phát hiện, xử lý đối với các cơ quan thực thi.
Lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội đề xuất, Tổng cục QLTT nhanh chóng hoàn thiện phần mềm về quản lý xử lý vi phạm hành chính để áp dụng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin, đảm bảo tính thống nhất, thuận lợi cho việc cập nhật, tra cứu của các đối tượng vi phạm, chủ thể quyền, tổ chức, cá nhân, hiệp hội đại diện, các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ; các mẫu vật hàng thật, hàng giả đảm bảo tính đại diện hàng hóa vi phạm, phù hợp với tình hình thực tế của hàng hóa cho từng giai đoạn phát triển thị trường.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng, tổ chức đúc rút kinh nghiệm các vụ việc kiểm tra, xử lý có những hành vi vi phạm mới hoặc có sự tranh chấp, ý kiến, quan điểm khác nhau của các cơ quan quản lý chuyên ngành để đảm bảo sự thống nhất trong xử lý, tránh khiếu kiện, khiếu nại và phổ biến, nhân rộng trong toàn lực lượng QLTT.
Số liệu thống kê từ Chương trình 168 về phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho thấy, năm 2020 các lực lượng chức năng của các Bộ, ngành đã xử phạt 1.300 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tổng số tiền xử phạt trên 25 tỷ đồng.
Lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội đề xuất, Tổng cục QLTT nhanh chóng hoàn thiện phần mềm về quản lý xử lý vi phạm hành chính để áp dụng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin, đảm bảo tính thống nhất, thuận lợi cho việc cập nhật, tra cứu của các đối tượng vi phạm. |
Các hành vi vi phạm diễn ra phổ biến như: Buôn bán hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng, nhiều vụ việc diễn ra theo hình thức xuyên biên giới; những vi phạm cạnh tranh không lành mạnh, nhái nhãn hiệu; vi phạm liên quan đến tên miền, quốc gia; vi phạm về tên thương mại, tên doanh nghiệp; xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích và lần đầu tiên có vụ xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh…
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra rất nhiều ở các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch như khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay y tế…
Bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ nhận địnhcho rằng, hiện nay, 95% vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xử lý bằng biện pháp hành chính. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần giảm biện pháp xử phạt bằng hành chính, chuyển sang biện pháp tư pháp để phù hợp với xu thế toàn cầu.
“Điều này phải hết sức cân nhắc bởi hiện nay, hạ tầng của chúng ta chưa đảm bảo, năng lực thực thi của các lực lượng chức năng còn hạn chế. Thêm vào đó, các chủ thể quyền cũng mong muốn giữ lại biện pháp xử phạt hành chính” - bà Nguyễn Như Quỳnh thông tin.
Ông Kiều Dương - Vụ trưởng Vụ chính sách – Pháp chế, Tổng cục QLTT cho rằng, Sách trắng 2020 của Eurocham nhận định “Tại Việt Nam những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến tình trạng bùng nổ của các hành vi xâm phạm trực tuyến quyền tác giả vì liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp. Tình trạng này sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát trong những năm tới nếu Việt Nam không nhanh chóng có những biện pháp xử lý cấp bách, hữu hiệu”. Nhận định này cho thấy, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng năng lực thực thi xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các cơ quan, lực lượng nói chung trong đó có lực lượng QLTT là chưa đạt được như kỳ vọng của Chính phủ, của người dân.
Dự báo, trong thời gian tới, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ còn gia tăng, do vậy, công chức thực thi nhiệm vụ này phải nâng cao năng lực, kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực sở hữu trí tuệ để có thể sẵn sàng xử lý kịp thời những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.
Cùng với đó, hoàn thiện khung pháp lý, khuôn khổ pháp luật, đặc biệt là các biện pháp xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, phải ứng dụng công nghệ vào quá trình kiểm tra, kiểm soát, nhận diện các hành vi vi phạm để xử lý triệt để, tận gốc các vấn đề.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại