Hà Nội: Gần 3.000 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” giúp cho công tác hòa giải đi vào nề nếp, bài bản (ảnh tư liệu) |
Theo thống kê, toàn Thành phố Hà Nội hiện có 4.937 tổ hòa giải với tổng số 31.957 hòa giải viên, trong đó có 2.822/4.937 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 57%). Một số địa bàn duy trì và tích cực triển khai mô hình này là quận Tây Hồ, Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Đình... Trong đó, các quận Long Biên, Cầu Giấy, Đống Đa đã đưa hoạt động hòa giải thành một tiêu chuẩn thi đua, làm cơ sở khen thưởng cuối năm.
Năm 2021, UBND Thành phố đã tổ chức đánh giá, tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 23-11-2016 của Thành ủy Hà Nội về công tác hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân ngay tại cơ sở và chỉ đạo tích cực triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”.
Thực hiện các quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Hà Nội có 30/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật. Kết quả, năm 2020 có 558/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,37% (cao hơn năm 2019: 546/584: đạt tỷ lệ 93,5%).
Trong đó, nhiều quận, huyện có số phường, xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ 100% như: Ba Đình, Cầu Giấy, Đan Phượng, Đông Anh... Một số quận, huyện có số xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ thấp như: Thanh Oai, Sóc Sơn, Hoài Đức, Ứng Hòa.
Để triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2022, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 10-9-2021 về thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải cơ sở và việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật vẫn còn những khó khăn. Theo đó, kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở còn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều đơn vị cấp xã chưa thực hiện chi hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở. Việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong xét, đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới tại một số địa phương vẫn còn mang tính hình thức.
Thời gian tới, Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và các Kế hoạch triển khai các Đề án về PBGDPL (sau khi các Đề án được ban hành). Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật qua các chuyên trang, chuyên mục pháp luật của các báo và Đài phát thanh, truyền hình theo những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố;
Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành năm 2021 và năm 2022, các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh các biện pháp thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại