Hà Nội: Đưa hàng Việt ngày càng lan tỏa mạnh mẽ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThời gian qua, Hà Nội liên tục mở rộng mạng lưới phân phối để đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. Ảnh: Thùy Linh |
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, đến nay, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ trên 90% tại các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước. Chiếm 60 - 96% tại hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Xu hướng người Việt dùng hàng Việt đã dần phổ biến.
Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" đã trở thành một trong những hoạt động quan trọng của TP Hà Nội. Cùng với việc nâng cao chất lượng hàng hóa, thời gian qua, Hà Nội còn liên tục mở rộng mạng lưới phân phối để đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.
Hiện, các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội không đơn thuần hoạt động kinh doanh thương mại, đưa hàng hóa, dịch vụ bán trực tiếp đến người tiêu dùng mà đã linh hoạt, chủ động, có giải pháp kết nối giữa các nhà kinh doanh với nhau, giữa các nhà kinh doanh với người tiêu dùng, góp phần quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm Việt.
Theo Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Tâm Bình Nguyễn Minh Hoàng, việc tham gia và hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng như Chương trình bình chọn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp công ty lan tỏa thương hiệu. Thông qua việc tham gia các hội chợ, tuần hàng Việt, các chương trình bình chọn…, sản phẩm của doanh nghiệp đã được đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và cả nước tin tưởng, lựa chọn.
Theo các chuyên gia, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã giúp hàng Việt ngày càng có sự lan tỏa, được người tiêu dùng cả nước biết đến và hưởng ứng tích cực. Cùng đó, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước có mặt trong hệ thống phân phối tăng cao. Đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, tin tưởng hàng Việt, nhất là đối với phân khúc hàng Việt Nam chất lượng cao… Đáng lưu ý, siêu thị chính là kênh quảng bá, xúc tiến thương mại quan trọng, đưa các sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông), để hàng Việt có sức lan tỏa và lớn mạnh, ngoài kênh bán lẻ trực tiếp, việc áp dụng số hóa sẽ cung cấp thêm cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm mới, hiện đại, tiện lợi hơn…, tạo nên sức mạnh cộng hưởng trong phát triển chuỗi cung ứng, gia tăng nội lực cạnh tranh cho các thương hiệu Việt.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, thời gian qua, Sở Công Thương đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Đồng thời, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp.
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mới đây, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn TP Hà Nội. Đẩy mạnh xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng Việt.
Cùng đó, phối hợp xây dựng các chương trình và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng để đưa hàng Việt chiếm thị phần tương xứng trong hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn TP.
Mở rộng mạng lưới điểm bán hàng cố định, lưu động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi; giới thiệu và quảng bá sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn,… Các sở, ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, nguồn gốc… hàng Việt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương, cho biết, Ban Chỉ đạo cuộc vận động TP sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. Ngoài ra, tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm có thế mạnh của địa phương; tăng cường giới thiệu, kết nối để hàng Việt có thể đi sâu vào đời sống và tạo thói quen cho người tiêu dùng Việt. |
Hà Nội: Tập trung truyền thông đến người tiêu dùng về lợi ích khi dùng sản phẩm hàng Việt | |
Hà Nội: Nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về hàng Việt có nhiều thay đổi |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại