Hà Nội: Đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội đang tiếp tục dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP, với trên 1.649 sản phẩm của 426 doanh nghiệp, đơn vị. |
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ, được triển khai trên toàn quốc từ năm 2018. Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã được các tỉnh, thành trên cả nước tích cực hưởng ứng, xây dựng Kế hoạch để phát triển, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, từ năm 2019 đến nay, toàn TP đã có 1.649 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao OCOP trở lên. Trong số này, có 4 sản phẩm OCOP 5 sao và 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang chờ Bộ NN&PTNT thẩm định hồ sơ, trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, đánh giá, phân hạng năm 2022.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, TP Hà Nội đang tiếp tục dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP, với trên 1.649 sản phẩm của 426 doanh nghiệp, đơn vị, trong đó ngành Thực phẩm chiếm 65% sản phẩm, là những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp đến với người tiêu dùng.
Trên thực tế, hiện đầu ra của các sản phẩm OCOP vẫn nhiều khó khăn, các chủ thể OCOP vẫn khó tiếp cận đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là các siêu thị lớn hay kênh phân phối quốc tế.
Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, việc xúc tiến sản phẩm OCOP của các chủ thể OCOP trên địa bàn TP Hà Nội là một trong những nội dung, chương trình công tác của Sở Công thương và được triển khai thường xuyên, liên tục trong những năm vừa qua. Kết quả cho thấy, ngày càng nhiều người tiêu dùng biết đến nhiều hơn các sản phẩm OCOP chất lượng và an toàn.
Tuy nhiên, chỉ sự vào cuộc của cơ quan chức năng là không đủ mà rất cần sự đồng hành của các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp và các hệ thống phân phối. Theo đó, về phía các doanh nghiệp cũng như hệ thống phân phối cần sự hợp tác nhiều hơn để thúc đẩy cả chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng.
Mặt khác, để sản phẩm OCOP có thể đưa vào hệ thống phân phối lớn để có thị trường tiêu thụ rộng hơn, thì việc sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn trong nước cũng như tiêu chuẩn thị trường là yếu tố rất quan trọng. Trong khi đó, các yêu cầu này đang đòi hỏi ngày càng cao hơn như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn thực phẩm. Do đó, các chủ thể OCOP cần tiếp cận các thông tin này để có kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp.
Theo ông Nguyễn Thế Hiệp, Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành trong việc phát triển, giới thiệu sản phẩm OCOP, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại cũng như kết nối rộng hơn với các đối tác trong hệ thống siêu thị cũng như các đơn vị nằm trong chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), sản phẩm OCOP được qua một quy trình chấm điểm với nhiều yêu cầu và tiêu chí khắt khe từ chất lượng, nhãn mác bao bì hay gắn với văn hóa vùng miền….Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, do phát triển nhanh, nhiều địa phương có sản phẩm trùng lặp nhau. Như vậy, tự các sản phẩm OCOP đã cạnh tranh nhau.
Do đó, thời gian tới, các địa phương cũng cần ngồi lại để đánh giá dung lượng thị trường và có kế hoạch sản xuất tốt hơn, không để tình trạng cạnh tranh lẫn nhau giữa các địa phương. Bên cạnh đó, cần phải xác định phân khúc thị trường của mình như xuất khẩu, bán vào hệ thống siêu thị hay bán ra các chợ truyền thống.
“Bộ Công thương sẽ tạo ra những kênh bán hàng mới, hay hơn, phù hợp hơn đối với các sản phẩm OCOP của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung”, bà Lê Thị Nga cho hay.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại