Hà Nội chuẩn bị xây dựng 3 cầu vượt sông Hồng: Tạo diện mạo phù hợp nhu cầu phát triển đô thị
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhối cảnh kiến trúc cầu Tứ Liên. |
Theo các chuyên gia đô thị, ngoài các cây cầu mới được đầu tư xây dựng trong thời gian gần đây như: cầu Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy (đang triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2), các cây cầu còn lại về cơ bản đang phục vụ ở mức độ quá tải, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại. Trong đó, cầu Long Biên và Thăng Long không bảo đảm yêu cầu về cao độ tĩnh không thông thuyền theo quy định hiện hành.
Quy mô chiều rộng các cây cầu này cơ bản nhỏ hơn so với các tuyến đường mới được đầu tư xây dựng 2 đầu cầu nên là một trong các nguyên nhân gây ùn tắc. Vị trí các cây cầu có khoảng cách khá xa nhau làm giảm khả năng kết nối giữa các khu vực 2 bên bờ sông Hồng.
Vì vậy, đầu tư xây dựng để hình thành các cây cầu qua sông Hồng chính là việc tạo các mạch nối để bảo đảm duy trì sự kết nối liên thông giữa các khu vực hai bên sông Hồng; góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo diện mạo mới có tính đột phá về phát triển cho các khu vực phía bắc sông Hồng theo đúng định hướng quy hoạch.
Nằm trong lộ trình thực hiện quy hoạch giao thông năm 2023, Hà Nội chuẩn bị xây dựng 3 cầu vượt sông Hồng là Trần Hưng Đạo, Tứ Liên và Vân Phúc. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đang triển khai thực hiện lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, dự kiến trình trong quý 3.
Theo quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc, địa điểm xây dựng cầu sẽ nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh; kết nối từ tuyến đường trục chính đô thị quy hoạch dọc đê Hữu Hồng với QL 5 kéo dài, thuộc địa bàn quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh.
Phạm vi dự kiến có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao QL 5, tổng chiều dài theo tuyến thẳng khoảng 4,8 km. Với 5 nút giao trong đoạn tuyến gồm: Nút giao Nghi Tàm; nút giao Hữu Hồng;
nút giao kết nối bãi giữa; nút giao Tả Hồng; nút giao QL 5 kéo dài. Phương án kiến trúc cầu là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình.
Cùng với cầu Tứ Liên, dự án này nằm trong khu vực đô thị trung tâm và đã được thi tuyển phương án kiến trúc. Cầu Trần Hưng Đạo nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy. Phía nam cầu kết nối vào đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Ở phía bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (QL 5A). Điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông, điểm cuối tại điểm giao với đường Vũ Đức Thuận.
Cầu chính dài 900 m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,5km, qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Cầu gồm hai chiều, mỗi chiều hai làn xe cơ giới và một làn xe hỗn hợp. Ngoài ra, các khoảng không được tận dụng bố trí làn xe đạp tại vị trí sát vành vòm. Phần đường dành cho người đi bộ nằm ngoài vành vòm. Đầu cầu có đường lên xuống cho người đi bộ. Trụ cầu có các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu. Hai đầu cầu có công viên phục vụ người dân vui chơi, giải trí.
Cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường nối ra QL 32, huyện Phúc Thọ, phấn đấu duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong năm 2023. TP đã chấp thuận giao một DN lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT để trình thẩm định. Điểm đầu tại vị trí giao cắt QL 32, thuộc xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; điểm cuối ở ranh giới của Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc. Phần cầu chính vượt sông, cầu cạn vượt vùng lòng hồ Vân Cốc và cầu dẫn phía Hà Nội rộng 20,5 m, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Phần đường nối từ QL 32 đến cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc rộng 32 m, quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Ông Nguyễn Trúc Anh - GĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, các cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên đã được UBND TP tổ chức thi tuyến phương án kiến trúc là những cây cầu có vị trí đặt tại các khu vực có ý nghĩa lịch sử, kết nối các khu vực quan trọng, không gian lớn nên yêu cầu về kiến trúc cũng đã xác định bảo đảm các yếu tố về cảnh quan, có biểu tượng và tạo dựng thương hiệu của TP Hà Nội.
Các cây cầu này đều có ý tưởng đặc biệt, có bản sắc riêng khác với công trình cầu khác trên sông Hồng, không trùng lặp với các ý tưởng và phương án thiết kế của các cầu hiện có tại Việt Nam và thế giới. Nhưng xuyên suốt sẽ vẫn là các yêu cầu về tính thẩm mỹ, độc đáo của phương án kiến trúc phù hợp với trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô.
Được biết, Hà Nội cũng lên phương án xây dựng 7 cầu còn lại gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu Phú Xuyên. Hiện nay, Hà Nội có 8 cầu qua sông Hồng: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại