Hà Nội chưa cần tính đến phương án phải nhập khẩu thịt lợn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThông tin trên được bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội khẳng định tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 24-12.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn trong 2 tháng tết khoảng 44.600 tấn hơi (tương đương 23.000 tấn/tháng). Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung thịt lợn phục vụ tết trên địa bàn nói chung và các tỉnh, TP có chăn nuôi lợn giảm mạnh.
Tuy nhiên, số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, từ ngày 1 đến 16-12-2019, sản lượng lợn hơi xuất chuồng là 11.125 tấn, dự kiến cả tháng là 22.250 tấn và sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu của tháng tết.
Tháng 11-2019 Hà Nội nhập khẩu 64,44kg thịt lợn qua Hải quan Hà Nội. Nửa đầu tháng 12-2019 không có thịt lợn nhập khẩu qua Hải quan Hà Nội.
Nguồn cung mặt hàng thịt lợn cho đến thời điểm hiện tại cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sản lượng thịt lợn xuất chuồng cũng tăng, nguyên nhân có thể do số lượng lớn đến kỳ xuất chuồng tăng; đồng thời nhu cầu của người dân tăng cao nên các đơn vị giết mổ tăng cường hoạt động thu mua từ các nguồn để đáp ứng nhu cầu cuả người dân.
Tại một số hệ thống siêu thị lớn và chợ trên địa bàn, thịt lợn bán ra từ đầu tháng 12-2019 tiêu thụ chậm, lượng bán giảm từ 5%-20% so với tháng 11-2019. Người dân chủ động sử dụng thực phẩm thay thế khác như thịt gia cầm, thủy sản…
|
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, thời gian qua, Sở đã tích cực rà soát các quận, huyện bảo đảm đủ thời gian sau 30 ngày không mắc dịch bệnh để cho tái đàn trở lại với tổng cộng khoảng 300.000 con. Ngoài ra, các doanh nghiệp thu mua mạnh hơn từ các tỉnh đưa về địa bàn Hà Nội giết mổ, phục vụ nhu cầu người dân địa bàn.
Hà Nội đã kết hợp chặt chẽ với trên 20 địa phương có sản lượng thịt lợn lớn thường xuyên cung ứng cho địa bàn Hà Nội để lấy nguồn cung về phục vụ nhân dân Thủ đô.
Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, để cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn trên địa bàn thời gian thời gian tới, Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT; Sở Công Thương các tỉnh, TP; Cục Hải Quan Hà Nội, các đơn vị liên quan... để bắt bắt thông tin về các cơ sở sản xuất, chăn nuôi có khả năng cung ứng mặt hàng thịt lợn ngay cho thị trường để kịp thời tổ chức kết nối, cung cấp thông tin cho các đơn vị giết mổ, phân phối khai thác đưa về Hà Nội phục vụ nhân dân và có giải pháp tham mưu xử lý kịp thời khi thiếu nguồn cung và tăng giá đột biến.
Sở Công thương đề nghị Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm về nguồn cung đối với mặt hàng thịt lợn trên địa bàn và đề xuất với UBND TP giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng thị lợn phục vụ nhân dân khi xảy ra thiếu hàng; đồng thời định kỳ 10 ngày/lần cung cấp thông tin nguồn cung thịt lợn cho Sở Công Thương, tiếp tục chi đạo sản xuất, chăn nuôi các sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy hải sản... khác nhằm thay thế thịt lợn để phối hợp triển khai các giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ nhân dân.
Đề nghị Cục Hải quan TP nắm bắt, thông tin thường xuyên về tình hình nhập khẩu mặt hàng thịt lợn và một số mặt hàng có khả năng thay thế mặt hàng thịt lợn cung cấp thông tin báo cáo định kỳ đúng quy định giúp sở Công Thương kịp thời phân tích đánh giá các nguồn cung phục vụ công tác bình ổn thị trường.
Đối với những mặt hàng khác, Sở Công thương đã xác định lượng hàng hóa thiếu yếu phục vụ trên địa bàn TP trong 2 tháng tết đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch tết năm 2019, gồm: Trên 191.000 tấn gạo; 44.600 tấn thịt lợn; 14.800 tấn thịt gà; trên 12.300 tấn thịt bò; hơn 247.000 tấn rau, củ; 11.300 tấn hải sản; 3.000 tấn bánh mứt kẹo và khoảng 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát.
“Các doanh nghiệp đều có kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết trăng trung bình từ 7%-25% so với tết 2019. Ngoài mặt hàng thịt lợn, các mặt hàng thiết yếu khác được bảo đảm dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết Nguyên đán 2020. Trong đó, 23 đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường đăng ký lượng hàng hóa thiết yếu trong 2 tháng Tết với tổng giá trị hơn 121.000 tỷ đồng”, Phó Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại