Hà Nội: Chú trọng phổ biến kiến thức về ATTP và quy trình sản xuất rau an toàn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCánh đồng rau an toàn của nông dân Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Ảnh: HTX rau Đông Cao |
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, sản lượng rau của Hà Nội đạt hơn 700.000 tấn/năm, tốc độ tăng trưởng trung bình 1,9%/năm. Các chủng loại rau gieo trồng khá phong phú với hơn 40 loại, chủ yếu gieo trồng ở vụ đông xuân. Hiện tại, diện tích rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận duy trì ổn định 5.451,8ha, với năng suất đạt khoảng 70 tấn/ha/năm.
TP Hà Nội xác định nông dân là những người trực tiếp sản xuất ra nông sản, thực phẩm cung cấp cho thị trường. Do đó, để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nông dân trong sản xuất, kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn, thời gian qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn cho nông dân về IPM, an toàn thực phẩm (ATTP), các thử nghiệm kỹ thuật mới.
Bà Lưu Thị Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, thông qua tập huấn kỹ thuật và được tuyên truyền, vận động, nông dân đã chú trọng sản xuất rau theo hướng an toàn, hữu cơ, thay đổi tập quán canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác.
Theo đó, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học tăng dần (năm 2005 IPM là 34,3% và tập quán là 30,2%; năm 2017 IPM là 78,2% và tập quán là 40,2%; năm 2021 IPM là 83,4% và tập quán là 38,9%). Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm đáng kể giữa ứng dụng IPM và theo tập quán (năm 2005 IPM là 1,4kg/ha/năm và tập quán là 3,4kg/ha/năm; năm 2021 IPM là 2,4 kg/ha/năm và tập quán là 3,8 kg/ha/năm). Chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm, tuân thủ thời gian cách ly khi thu hoạch.
Đặc biệt, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên các cây trồng của Hà Nội (trong đó có rau) là khoảng trên 200 tấn chỉ bằng 0,3% so với toàn quốc là trên 70.000 tấn. Tỷ lệ mẫu rau phân tích vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép thấp (hàng năm phân tích 300 - 500 mẫu rau, chỉ có khoảng 1 - 2% mẫu vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép), năng suất rau vẫn tăng mạnh, năm 2008 đạt 160 tạ/ha, năm 2017: 198,5 tạ/ha, năm 2022 là 219,52tạ/ha.
Theo bà Lưu Thị Hằng, để nâng cao hiệu quả trồng rau an toàn của các vùng, các địa phương, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn cho người dân, thông tin cụ thể về các loại thuốc cấm sử dụng, các loại thuốc bảo vệ thực vật đã bị loại khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đồng thời, phổ biến kiến thức về ATTP và quy trình sản xuất cho nông dân tại các vùng sản xuất tập trung. Nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, bảo vệ môi trường.
Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, mã định danh đối với các vùng sản xuất rau hàng hoá có khả năng, tiềm năng xuất khẩu. Thực hiện các lớp tập huấn IPM, ATTP, thử nghiệm kỹ thuật mới trong sản xuất rau, cây ăn quả, cây chè an toàn.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tại các vùng sản xuất trên địa bàn. Phát hiện kịp thời các sai phạm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục triển khai các mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng PGS trong sản xuất rau, quả, chè an toàn tại các xã trên địa bàn Hà Nội. Kiểm tra, lấy mẫu tại các vùng rau, quả, chè đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và vùng PGS, các cơ sơ sơ chế rau an toàn có hoạt động sản xuất.
“Chúng tôi sẽ cử cán bộ phối hợp với các địa phương tăng cường bám sát đồng ruộng, quản lý, giám sát tình hình sản xuất rau, quả, chè đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các địa phương cần đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa các vùng sản xuất rau để có kế hoạch sản xuất hàng hoá quy mô lớn bảo đảm về chất lượng an toàn, chủng loại, mẫu mã cung ứng đáp ứng thị trường tiêu thụ các sản phẩm rau an toàn, chất lượng” - bà Lưu Thị Hằng cho hay.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, TP Hà Nội đã hình thành 104 vùng sản xuất rau an toàn, với quy mô từ 20ha trở lên tại các huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoài Đức… đạt hiệu quả từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Diện tích rau đã được chứng nhận hữu cơ và đang xin chứng nhận sản xuất theo hướng hữu cơ khoảng 180ha, năng suất dự kiến 50 tấn/ha/năm, hiệu quả kinh tế sản xuất rau hữu cơ cao hơn so với sản xuất rau thông thường từ 20 đến 30%. |
Hà Nội: Các mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm đã tạo hiệu ứng tốt | |
Hà Nội: Mọi người dân có quyền được sử dụng thực phẩm an toàn | |
Hà Nội: Tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại