Chủ nhật 16/06/2024 03:28

Gợi mở cách để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 22/5, Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức chương trình khảo sát thực tế, tọa đàm tại các làng nghề của Hà Nội. Sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình truyền thông Những cống hiến thầm lặng năm 2024.
Gợi mở cách để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội
Người lao động làm nghề khảm trai tại xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Công Phương.

Người lao động rất khó tham gia bảo hiểm xã hội

Trong chương trình khảo sát thực tế, phóng viên của gần 20 cơ quan báo chí đã gặp gỡ, nghe chia sẻ của những lao động làng nghề khảm trai và làm tăm hương tại 2 xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) và xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Chương trình đã giúp phóng viên có trải nghiệm thực tế, tìm hiểu cụ thể về cơ hội tiếp cận và tham gia đóng bảo hiểu xã hội của các hộ kinh doanh, người lao động.

Trao đổi với PV, anh Phạm Văn Thắng (36 tuổi) cho biết, gia đình anh 3 đời theo nghề khảm trai truyền thống ở xã Chuyên Mỹ. Mỗi ngày anh ngồi làm 8 tiếng, thu nhập mỗi tháng của anh khoảng 10 triệu đồng. Với thu nhập của anh rất khó tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) vì anh còn phải lo cho các con ăn học, bố mẹ già và chi tiêu cho gia đình.

“Tôi cũng muốn được tham gia bảo BHXH nhưng tôi không còn nhiều thời gian để theo nghề này nữa, người làm khảm trai chỉ hơn 40 tuổi là phải chuyển nghề vì mắt kém, không làm được. Ngoài ra, để tôi tham gia BHXH lúc này cũng rất khó khăn bởi thu nhập của tôi không nhiều mà đóng BHXH cũng khá cao” – anh Thắng chia sẻ.

Trong khi đó, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa nổi tiếng với việc làm tăm hương, tổng dân số của xã là 12.656 người. Số người trong độ tuổi lao động là 7.379 người, thu nhập bình quân 72 triệu đồng/năm/lao động. Trong đó, hơn 75% thu nhập được tạo ra từ nghề sản xuất tăm hương và thu gom phế liệu. Tuy nhiên, số người lao động tham gia BHXH tự nguyện cũng chưa cao, chỉ đạt 86 người.

Gợi mở cách để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội
Ông Đinh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ chia sẻ về tỉ lệ đóng BHXH thấp trên địa bàn. Ảnh: Công Phương.

Cùng trao đổi về vấn đề trên, ông Đinh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên cho biết, toàn xã có 7 làng nghề và phát triển làng nghề ở xã Chuyên Mỹ phát triển mạnh hơn so với các làng nghề trong huyện Phú Xuyên. Thu nhập bình quân đầu người chiếm 80% trong tổng thu nhập các hộ dân trong xã.

Sau dịch Covid-19, mức độ tăng trưởng ở các làng nghề rất đảm bảo, sự bình ổn rất cao cộng với sự quan tâm rất lớn của các cấp các ngành liên quan đến tổ chức, các sàn giao dịch điện tử, mức độ giao thương bán hàng qua mạng rất nhiều.

Ông Nguyện cho biết thêm, mức độ tăng trưởng phát triển kinh tế cao nhưng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội thì chỉ ở cán bộ công chức, viên chức còn ở các hộ kinh doanh, gia đình trong toàn xã tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội khá thấp.

Nhiều giải pháp cho lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội
Người dân làng nghề xã Chuyên Mỹ có thu nhập ngày càng được cải thiện. Ảnh: Duy Khánh

Chia sẻ về nguyên nhân đóng thấp, ông Nguyện cho rằng, đầu tiên phải nói về công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội từ cơ quan bảo hiểm, chính quyền địa phương đến người lao động chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, mặc dù thu nhập cao nhưng người dân vẫn chưa nghĩ đến việc đảm bảo cho cuộc sống sau này, khi nghỉ hưu.

Đồng thời, người đóng bảo hiểm xã hội chỉ được hưởng tiền tử tuất và hưu trí, trong khi họ tham gia bảo hiểm khác thì được chế độ cao hơn và một bộ phận người dân tham gia bảo hiểm đó.

Ông Nguyện đề xuất cơ quan bảo hiểm cần nâng cao chế độ bảo hiểm và cơ quan bảo hiểm nên bám sát địa phương, gần với cấp xã, cấp huyện để tuyên truyền cho Nhân dân nghe, hiểu hơn.

Gợi mở cách để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội
Tọa đàm “Để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội” tổ chức tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Duy Khánh.

Truyền thông để người lao động hiểu và tham gia bảo hiểm xã hội

Chiều cùng ngày, tại tọa đàm “Để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội”, các chuyên gia đã cùng trao đổi để đưa ra các giải pháp, đề xuất các chính sách để góp phần nâng cao chính sách an sinh, nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện của người lao động tại làng nghề. Các đại biểu đặc biệt lưu ý nội dung khuyến khích lao động làng nghề tham gia BHXH tự nguyện, coi đây là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng giúp người lao động tự do, người có thu nhập thấp có cuộc sống ổn định khi không còn khả năng lao động.

Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, thu nhập của lao động làng nghề cao hơn làm nông. Cho nên không phải do họ khó khăn, mà do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về BHXH. Theo bà Vinh, người lao động nghĩ rằng một tháng bỏ mấy trăm nghìn nhưng hưởng lợi chưa nhìn thấy thì họ sẽ không tham gia.

Gợi mở cách để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội
Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội. Ảnh: Công Phương.

Vì vậy, cơ quan BHXH các địa phương, hệ thống công quyền và truyền thông, gần nhất là Hội người cao tuổi, đoàn thanh niên, hội phụ nữ của từng thôn xóm cần phải truyền thông cho người dân hiểu.

“Điều quan trọng nhất là nếu tham gia BHXH thì khi về già sẽ không đè gánh nặng lên vai con cháu, được hưởng hưu, ốm đau khi đi khám được hỗ trợ chi trả…” – bà Vinh nói.

Giám đốc BHXH huyện Ứng Hòa Ngô Xuân Giang cho biết giải pháp về sự cải thiện trong thủ tục cơ chế một cửa tiếp nhận và giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động. Hiện nay tại huyện Ứng Hòa, người sử dụng lao động không phải đến cơ quan BHXH huyện nộp hồ sơ, thủ tục nhanh chóng thuận lợi, tiền hưởng chế độ BHXH của người lao động khi được cơ quan BHXH thanh toán chuyển đến tài khoản cá nhân người lao động.

Chỉ còn rất ít cá nhân giao dịch bằng hồ sơ giấy, có thể nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH huyện hoặc qua dịch vụ Bưu chính công ích. Người lao động được giải quyết chế độ hưu trí, BHXH 1 lần, hưởng chế độ thai sản thanh toán trực tiếp, được cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo, không để người lao động đi lại nhiều lần. Việc chi trả chế độ cho người lao động được đảm bảo chính xác, an toàn.

Gợi mở cách để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội
Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Duy Khánh.

Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 nhấn mạnh, để thu hút lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội, rất hy vọng trong lần bàn thảo của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ giữ được các điều khoản nhằm tạo điều kiện cho mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân, bám sát 5 chính sách, bao gồm: (1) Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; (2) Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; (3) Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); (4) Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; (5) Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Sinh viên sôi nổi thảo luận về vấn đề an sinh xã hội Sinh viên sôi nổi thảo luận về vấn đề an sinh xã hội

Trong khuôn khổ Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024, ngày 14/4 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động