Thứ năm 16/01/2025 17:04

Góc khuất cuộc đời của giang hồ Ngô Cái

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Sau này khi biết chuyện vợ có thai là giả, Ngô Cái đã rất giận, nhưng vẫn biết ơn người vợ hiền. Có thể vì giai đoạn ấy ông ít tham gia vào các hoạt động của băng nhóm, nên khi Đại cathay bị diệt, Ngô Cái mới may mắn thoát đại nạn.

Vướng phải trai giang hồ

Tìm hiểu về số phận 3 người đàn em thân tín của Đại Cathay đã may mắn thoát khỏi “họa sát thân 67” như thế nào, chúng tôi đã gặp được người em vợ của Ngô Cái, là ông Hoàng Văn Phước (SN 1960). Theo lời kể của người đàn ông này, chính người vợ hiền của Ngô Cái đã giúp gã thoát khỏi đại hạn. Không những vậy, người phụ nữ này đã cả đời tần tảo, hy sinh vì chồng con, cảm hóa “Tứ ca” về với nẻo thiện. Ông Phước sống trong bệnh tật, trên căn gác nhỏ hẹp, ẩm mốc ở số 117/1, đường Lê Thị Giêng, phường Bến Thành, quận 1 (TP HCM). Trước đây, ông cũng có vợ, nhưng hai người không ở được với nhau. Chẳng có con cái đỡ đần tuổi già, ông Phước chỉ còn trông đợi vào anh em ruột thịt. Nhắc đến chị gái và người anh rể giang hồ khét tiếng, ông thở dài, miệng đốt thuốc rồi nhả khói liên tục. Những ký ức đã qua ùa về theo sương khói mờ ảo, câu chuyện về một con người khác của “Tứ ca” khiến cho căn phòng dường như bớt chật hẹp.

Người giữ lửa hạnh phúc, cứu rỗi cuộc đời lầm lỗi của Ngô Văn Cái, là bà Hoàng Thị Tuyết Nghĩa, người chị gái thứ 6 của ông. Nay đã sang tuổi 65, bà Nghĩa vẫn còn tinh nhanh, minh mẫn. Nhưng từ ngày chồng chết đến giờ bà ít nói, lúc nào cũng lủi thủi trong nhà, ít giao tiếp với mọi người, kể cả những người anh em ruột thịt. “Trước đây, gia đình anh chị ấy ở trên đường Lê Lai, nhưng anh nghiện ngập cờ bạc, khiến tán gia bại sản. Hai người đưa con cái về bên quận 7 (TP HCM) thuê phòng trọ. Chị kéo được anh ra khỏi nàng tiên nâu, khiến anh hồi tâm tu tỉnh, không vướng vào nghiệp chướng giang hồ thì anh ấy lại vội ra đi để chị Nghĩa một mình cô quạnh với tuổi già. Đau buồn trước cái chết của chồng, khiến chị ấy suy sụp, tính tình cũng thay đổi thất thường. Chị Nghĩa sống trong những hoài niệm về người chồng đã khuất”, ông Phước cho biết, chị gái mình và ông trùm Ngô Cái thành duyên vợ chồng vào đầu năm 1966. Lúc đó, băng đảng Đại Cathay đang ở thời kỳ cường thịnh nhất. Cả Sài Gòn – Chợ Lớn đều dưới trướng của “Tứ đại giang hồ”.

Khi ấy, Nghĩa là cô thiếu nữ tuổi 18, nàng ngoan hiền hương sắc thanh thoát mặn mà, đã khiến cho bao nhiêu chàng trai si mê, theo đuổi, bày tỏ tấm lòng muốn cùng người đẹp kết tóc se duyên. Trong đám ấy có nhiều kẻ tài tử, có địa vị, là con quan, nhiều tiền lắm của, có thể mang đến cho Nghĩa cuộc sống như một bà hoàng. Vậy nhưng Nghĩa lạnh lùng, dửng dưng, chị bỏ ngoài tai những lời ong bướm, mật đường. Có khi chị còn tỏ thái độ coi khinh ra mặt, những kẻ dựa hơi công quyền, luồn cúi, làm tay sai cho bọn ngụy quyền, để thị uy ức hiếp dân nghèo.

Đến khi gặp Ngô Cái, chị Nghĩa đã dành trọn trái tim của mình cho kẻ du đãng này. “Sài Gòn – Chợ Lớn là lãnh địa của “Tứ đại”, Đại cathay đã giao khu vực đường Lê Lai, chợ Bến Thành cho anh rể tôi quản lý. Chị Nghĩa là tiểu thương bán hàng rong trong chợ nên hai người đã có duyên gặp nhau. Cũng bởi nhiều lần Ngô Cái đã ra mặt giúp đỡ Nghĩa khi chị bị những kẻ lưu manh chọc nghẹo và những băng đảng giang hồ bắt ép chị nộp “thuế đen” cho bọn chúng khiến chị cảm kích, dần dà thương anh ấy lúc nào không hay”, ông Phước nhớ lại. Theo lời kể của người em vợ của Ngô Cái thì giang hồ Sài Gòn trong giai đoạn 1965 đến 1967, dù băng đảng Đại cathay uy thế lớn nhất, coi trời bằng vung. Sự hống hách ngang ngược của Đại đã khiến cho ông trùm bị nha canh sát liệt vào kẻ cần phải xử. Cảnh sát đã 5 lần 7 lượt tống giam Đại vào địa ngục trần gian, là trại Chí Hòa. Vậy nhưng chúng đã không tìm được chứng cứ để quy tội cho Đại. Để kiếm cớ diệt Đại, nha cảnh sát đã giật dây cho những băng nhóm thân mình đến quấy phá lãnh địa của ông trùm.

Chính vì vậy, khi Đại ở trong tù, những băng nhóm thường đến chợ Bến Thành gây hấn, chúng bức bách những tiểu thương, trong số ấy có Nghĩa. “Anh rể tôi vốn là con nhà võ, với môn pháp thái cực đạo. Vì vậy đám lâu la kia chỉ sau vài quyền là Ngô Cái hạ được bọn chúng. Nhưng nếu manh động, sẽ ảnh hưởng đến đại ca ở trong tù nên anh ấy phải mềm dẻo với bọn du đãng này. Chính vì vậy đám này càng thêm hống hách ngang ngược. Nhất là băng “Lính thủy đánh bộ”, của Tài “điên”, gã là một tên háo sắc thường ve vãn, ức hiếp các cô gái. Chị Nghĩa có nhan sắc, ăn nói nhỏ nhẹ nên sớm lọt vào mắt của Tài “điên”. Gã ra lệnh cho đàn em phá đồ, bắt chị tôi lên xe chở đi. Trước lời kêu cứu thống thiết của người con gái, khiến Ngô Cái không thể khoanh tay đứng nhìn. Anh đã ra tay cứu giúp và không màng tới hậu quả nghiêm trọng đằng sau hành động nghĩa hiệp này ”. Đám Tài “điên” từ sau lần ấy khiếp vía không dám quay lại chợ Bến Thành kiếm chuyện. Nghĩa cảm kích, lo lắng cho người thanh niên này, chị tỏ ra ray rứt: “Anh cứu tôi, sẽ liên lụy tới bản thân và những người huynh đệ của mình”. Trước sự quan tâm của cô thiếu nữ xinh đẹp, Ngô Cái chỉ cười nhẹ, rồi an ủi: “Để tồn tại trên giang hồ, cần có nghĩa khí với anh em. Nếu anh Đại ở trong hoàn cảnh này cũng sẽ hành động như vậy. Hơn nữa, đây là việc của riêng tôi, không ảnh hưởng tới băng nhóm. Đạo của người học võ, thấy điều bất bình đâu thể đứng nhìn”. Thật ra, Ngô Cái hành động như vậy, cũng bởi vì trước đó trong lòng mình đã cảm mếm cô gái này. Từ sau lần ấy, mối quan hệ của hai người trở lên thân thiết, rồi thương yêu nhau.

Nghĩa có tình cảm với một gã giang hồ, nhưng cha mẹ chị cũng không phản đối. Họ chỉ nhắc con gái, làm vợ người giang hồ cuộc sống sẽ gặp nhiều sóng gió, chẳng được một ngày bình yên và phải đối mặt với nguy hiểm. Bản thân Nghĩa cũng xác định được những dông tố đang đợi trước mặt khi gửi phận đời mình cho “Tứ ca”. Nhưng khi yêu, Nghĩa sẵn sàng hy sinh vì người đàn ông của đời mình. “Lúc ấy, có nhiều người bảo chị gái tôi lấy Ngô Cái vì ham mê phú quý và địa vị làm vợ của một ông trùm. Nhưng chỉ có chị ấy và gia đình tôi mới hiểu rằng chị thấy một con người khác của Ngô Cái”, người em vợ cho biết. Chính Ngô Cái, từng thừa nhận, bản thân ông ta cũng chẳng ham gì gì cái chức danh một trong “Tứ đại thiên vương” của Sài Gòn. Ngô Cái là người trọng tình nghĩa, có ơn thì trả. Trước đây, mẹ Ngô Cái bệnh nặng nhưng lại không có tiền đi viện. Huỳnh Tỳ từng biết danh Ngô Cái, biết chuyện gia đình Cái nên “Nhị ca” đã giúp đỡ. Từ đó, Ngô Cái theo Huỳnh Tỳ cho đến khi về băng của Đại cathay. “Chị Nghĩa yêu anh rể cũng là vì cái khí khái đó. Hơn nữa, lúc lấy Ngô Cái, chị còn ấp ủ ý định kéo anh ra khỏi nghiệp chướng giang hồ”.

Ông Phước, người em vợ kể lại chuyện gia đình của Ngô Cái.

Từ “Tam ca” hạ xuống thành “Tứ ca”

Đầu năm 1966, chị gái của ông Phước và Ngô Cái nên duyên vợ chồng. Theo ý của chị Nghĩa, lễ cưới hai người không mở rộng, chỉ cần đủ hai bên gia đình và một số anh em bạn bè thân thích đến chung vui. Ngô Cái, SN 1957, cùng năm với Trương Năm Cam, bố già của giới tội phạm sau này, nhưng trên giấy tờ thì Cái lại ít hơn vợ mình tới 3 tuổi. Chính chị Nghĩa đã làm giả giấy tờ để chồng mình không phải đi quân dịch. Địa vị của ông trùm mang lại cho Ngô Cái rất nhiều tiền, nhưng Nghĩa lại không động vào bất cứ một đồng tiền nào của chồng. Chị bảo, đó là những đồng tiền đã nhuốm máu tanh, với gánh hàng rong như trước, người phụ này muốn khẳng định cho chồng biết, nó vẫn có thể nuôi sống gia đình và tha thiết xin chồng hoàn lương, tránh xa chuyện đao búa.

Ngô Cái dù rất nể và yêu thương vợ, nhưng cũng là người trọng tình anh em. Chỉ cần huynh đệ trong băng có chuyện thì nhất định chồng chị sẽ không đứng ngoài cuộc. Vì vậy, dù người vợ này hết lời khuyên giải thế nào cũng không thể khiến ông trùm thay đổi. Điều mà Nghĩa làm được có chăng đó là hạn chế Ngô Cái vào những chuyện ân oán giang hồ. Cách mà Nghĩa làm đó là cố giữ chân Ngô Cái bên mình. Sau ngày cưới thấy chồng cứ đi đêm về hôm khiến chị thấp thỏm lo sợ. Trong lúc hoang mang, bức bách quá chị đã dựng lên chuyện mình mang bầu. Khỏi phải nói khi đón nhận tin ấy, Ngô Cái đã vui mừng hạnh phúc đến nhường nào. Chị Nghĩa cũng hy vọng, sau những đêm ân ái mặn nồng mình có thai thật. Nhưng mọi thứ không theo ý chị, cái thai giả cứ lớn dần lên trong sự chờ đợi của Ngô Cái và nỗi day dứt của người vợ vì đã rối gạt chồng. Nhưng Nghĩa cũng chẳng còn lựa chọn nào khác, chị đã cố diễn cho tốt vở kịch này, bởi những linh tính mách bảo Nghĩa về ngày tàn của “Tứ đại giang hồ”

Cũng từ ấy,Ngô Cái thường xuyên ở nhà bên vợ, ảnh hưởng của ông trùm trong băng nhóm cũng ít hơn. Chứng minh cho việc này, ông Phước kể, trước đây khu vực Chợ Lớn là thế giới riêng của người Hoa. Đứng đầu băng đảng Chợ Lớn là Tín Mã Nàm, so với băng đảng Đại cathay, “hắc đạo Chợ Lớn” được tổ chức chặt chẽ và hùng mạnh hơn nhiều. Trong “Tứ đại giang hồ” thì chỉ duy nhất Ngô Cái là con nhà võ. Cũng nhờ võ thuật hơn người, liều lĩnh sẵn sàng lăn xả của Ngô Cái, nên Đại cathay mới thu phục được Chợ Lớn của hắc đạo.“Cũng nhờ lập nhiều công trạng cho băng đảng mà Ngô Cái được xếp ở vị trí “Tam ca”, danh xưng: “Đại – Tỳ - Cái – Thế” trên giang hồ là vì vậy. Tuy nhiên, khi lấy chị gái tôi thì địa vị trong băng nhóm của Ngô Cái xuống vị trí “Tứ ca”, nhưng vì mọi người quen gọi như cũ nên thứ tự vẫn giữ như vậy, chỉ những người trong băng hiểu ngầm với nhau”, người em vợ của Ngô Cái cho biết.

Thủy Liên - Nguyễn Lê

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động