Giúp người dân ở cơ sở được phát huy quyền dân chủ trực tiếp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênXã Vĩnh Quỳnh là 1 trong 15 xã được UBND huyện Thanh Trì công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021 theo Quyết định số 207/QĐ-UBND ngày 20/1/2022 của Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì. Ảnh: Văn Biên |
Theo báo cáo của UBND xã Vĩnh Quỳnh, năm 2021, UBND xã tiếp tục thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTG ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật.
Năm 2021 là năm có đại dịch Covid-19 xảy ra diễn biến phức tạp, đời sống và kinh tế của Nhân dân có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn đó còn có những thuận lợi đó là được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Huyện ủy - HĐND – UBND huyện Thanh Trì; sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy xã; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận ủng hộ của Nhân dân trong xã, do vậy các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội – quốc phòng an ninh đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
Năm 2021, xã Vĩnh Quỳnh tiếp tục thực hiện công tác về chuẩn tiếp cận pháp luật. Phát huy những thành tích đạt được của năm 2020, dưới sự hướng dẫn giúp đỡ của Phòng Tư pháp huyện cùng với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ công chức xã được phân công thực hiện theo dõi, tự chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật theo từng lĩnh vực phụ trách.
Theo đó, năm 2021, xã Vĩnh Quỳnh có 5/5 tiêu chí tiếp cận pháp luật đạt từ 50% trở lên tổng số điểm tối đa. Tổng số điểm đạt được của 5 tiêu chí: 97 /100 điểm.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh Đỗ Đăng Nhượng cho biết: “Trên cơ sở tổng hợp, đánh giá, chấm điểm các tiêu chí tiếp cận pháp luật năm 2021 và kết quả cuộc họp UBND, UBND xã Vĩnh Quỳnh tự đánh giá: Đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định”.
Để đạt được kết quả trên, UBND xã đã tập trung tuyên truyền, phổ biến về các quy định chuẩn tiếp cận pháp luật thông qua các hình thức lồng ghép như sinh hoạt “Ngày pháp luật”, thông qua các hội nghị, đài truyền thanh… để giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân hiểu rõ về các quy định chuẩn tiếp cận pháp luật qua đó nâng cao nhận ý thức, nhận thức để chấp hành đúng pháp luật.
Chỉ đạo bộ phận Văn hóa - thông tin, đài truyền thanh xã liên tục đưa tin, bài đúng quy định chuẩn tiếp cận pháp luật để tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến toàn thể Nhân dân trên địa bàn đảm bảo về chất lượng truyền tải thông tin.
Việc theo dõi, kiểm tra trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, tiếp cận pháp luật được thực hiện thường xuyên, thông qua báo cáo của các đơn vị. Phối hợp với các ban, ngành đoàn thể thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện, thường xuyên kiểm tra, kiện toàn nguồn lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Ông Đỗ Đăng Nhượng cũng cho biết, xác định việc tổ chức đánh giá, công nhận và xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện các hình thức tuyên truyền, tiếp cận thông tin pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở nên ngay từ đầu năm, UBND xã đã tập trung chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, tạo chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực ban hành văn bản tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, các nhiệm vụ cấp trên giao, giải quyết thủ tục hành chính, phổ biến giáo dục pháp luật, thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Qua đó giúp người dân được tiếp cận pháp luật tốt hơn. Hàng năm, UBND xã đều tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật, đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, cải thiện khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở.
Cũng theo ông Đỗ Đăng Nhượng, để thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật có hiệu quả, trên cơ sở văn bản pháp luật quy định, UBND xã phân công công chức Tư pháp - hộ tịch theo dõi công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, có trách nhiệm tham mưu, tổng hợp giúp UBND xã trong việc đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời, phân công từng công chức chuyên môn như Văn phòng - Thống kê, Trưởng Công an xã, Tư pháp - hộ tịch, Tài chính Kế toán, Văn hoá - xã hội,… theo dõi từng tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, hàng năm, đều có đánh giá, tự chấm điểm báo cáo UBND xã theo quy định.
Ông Đỗ Đăng Nhượng khẳng định, người dân và cán bộ, công cức trong xã đều có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của chuẩn tiếp cận pháp luật. Kết quả đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã đã có những tác động tích cực đến việc bảo đảm điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở.
“Việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật còn giúp người dân ở cơ sở nắm bắt, thực hiện và được quyền tiếp cận thông tin liên quan đến đời sống của mình; phát huy quyền dân chủ trực tiếp; người dân được tham gia bàn bạc và quyết định những vấn đề có liên quan đến đời sống khu dân cư cũng như được hưởng những chính sách xã hội theo quy định”, ông Đỗ Đăng Nhượng nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại