Thứ hai 06/01/2025 14:37

Giữ nghề làm gốm lâu đời

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nhiều đời làm gốm ở xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), bà Hà Thị Vinh đã cống hiến hết mình, làm hưng thịnh nghề gốm ở quê hương. Giờ đây, nữ nghệ nhân vẫn tiếp tục những dự định góp phần đưa làng gốm Bát Tràng trở thành điểm du lịch đặc sắc…

Bà Hà Thị Vinh được sinh ra bên dòng sông Hồng, nơi có truyền thống lâu đời làm nghề gốm sứ. Bà bảo, được sinh ra ở đây đã là một cái duyên. Chẳng vậy mà từ chính cái nôi gốm sứ ấy, bà đã tạo dựng được cho mình một DN phát triển bền vững. Dòng họ của bà là một trong 19 dòng họ gốc hiện đang sinh sống tại Bát Tràng. Bà là thế hệ thứ 15 của một gia đình có nghề gốm gia truyền lâu đời. Khởi nghiệp, bà làm việc cho một Cty quốc doanh trước khi lập Cty riêng cho mình.

Trước đây, Bát Tràng bị đánh giá là một trong những điểm ô nhiễm nặng của TP về khói bụi, khí thải độc hại do lò nung gốm thải ra. Bên cạnh đó, nung đốt bằng than và củi một cách thủ công như vậy đã cho ra các sản phẩm chất lượng không cao do nhiệt độ không đồng đều, sản phẩm bám nhiều bụi bẩn bởi môi trường nung kém. Vì vậy, đầu những năm 2000, thị trường xuất khẩu bị mất dần, các DN Bát Tràng nói chung đều đối mặt với tình thế hết sức khó khăn. Bà Vinh cùng với những đồng nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển thị trường, trong đó có một giải pháp quan trọng là thay thế công nghệ và thiết bị lò nung, từ lò than củi sang đốt bằng công nghệ cao với nhiên liệu sạch là khí gas hóa lỏng. Và, lò nung gas công nghệ cao đầu tiên được bà nhập về từ Đài Loan để phục vụ cho sản xuất.

giu nghe lam gom lau doi
Các sản phẩm của làng nghề Bát Tràng đã tạo dựng được thương hiệu đối với khách hàng trong và ngoài nước nhờ những người có tâm với làng nghề như bà Vinh.

Bà Vinh cũng đã khuyến khích các nhà sản xuất gốm sứ và các xưởng cơ khí tại vùng làng nghề Bát Tràng đến tham khảo học tập và nghiên cứu chế tạo công nghệ lò nung gas nhập khẩu này. Chỉ sau 6 tháng, hàng trăm lò gas nhỏ tại đây được lắp ráp và đưa vào sản xuất thành công, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo bước ngoặt mới cho công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. Từ bước đột phá trong công nghệ, bà Vinh cùng các thành viên Cty luôn tìm tòi, sáng tạo và học hỏi công nghệ mới. Năm 2002, hệ thống lò gas con thoi mới áp dụng theo công nghệ Đức được bà đưa vào sản xuất.

Là người năng động, quyết đoán, dám nghĩ dám làm, với chiến lược hướng đến xuất khẩu hàng gốm sứ mỹ nghệ nên bà Vinh đã tham gia nhiều hội chợ quốc tế tại nước ngoài để tham khảo, thiết kế thị trường, học hỏi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh như ở Mỹ, Nhật, Đức, Ý, Úc, Đan Mạch, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…

Ngoài ra, bà còn hợp tác, ký hợp đồng thuê họa sỹ, chuyên gia nước ngoài giúp Cty thiết kế kiểu dáng mẫu mã sản phẩm để luôn đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường quốc tế. Bà cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ công nhân viên tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp trong nước cũng như khảo sát ở nước ngoài.

Bởi vậy, sản phẩm của bà hiện đã lan rộng khắp các châu lục, hấp dẫn được khách hàng lớn và khó tính của thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu… Bà Vinh chia sẻ: “Làng nghề Bát Tràng không chỉ là làng nghề truyền thống lưu giữ những giá trị tinh hoa của Hà Nội, của Việt Nam, mà còn là một di tích, địa điểm tham quan, thưởng lãm của du khách trong nước và quốc tế. Thời gian qua hàng chục năm những công trình cổ của làng đã không còn được như xưa. Gạch cổ Bát Tràng sẽ mang về phục vụ các công trình tại Bát Tràng, lát trên các con đường cổ Bát Tràng, phục dựng những nét cổ kính xưa kia, đó là tâm huyết của tôi và nhiều người Bát Tràng nữa”.

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội và Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, ngoài sản xuất, bà Vinh còn hướng Cty của mình tới phát triển du lịch. “Làng nghề chứa đựng nhiều tinh hoa, làm thế nào để khoe với thế giới? Khi TP Hà Nội có chủ trương xây dựng làng gốm Bát Tràng kết hợp với du lịch, tôi xung phong xây dựng dự án du lịch làng nghề, trình TP phê duyệt. Dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch không chỉ thu hút thêm lượng khách mà người làng gốm cũng sẽ được hưởng lợi. Dự kiến, năm 2019, dự án Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt tại Bát Tràng do Cty thực hiện sẽ được khởi công.

"Tôi muốn du khách đến làng Bát Tràng được thăm đình, đền thờ Mẫu, văn chỉ của làng và nghe người làng Bát Tràng kể chuyện - những câu chuyện làm nghề từ nhiều đời, rất đời thường nhưng ẩn chứa nhiều điều thú vị: Tại sao đường làng Bát Tràng rất nhỏ, tại sao món ăn Bát Tràng lại ngon đến thế, tại sao cột đình làng Bát Tràng 2 người ôm không xuể...? Đặc biệt, du khách sẽ được trải nghiệm, tự tay làm các bộ ấm chén thật đẹp, tự vẽ họa tiết lên những chiếc bình và thưởng thức các món đặc sản của Bát Tràng như: Xôi vò, chè đường, bánh chưng, chè kho, măng mực”, bà Vinh chia sẻ về dự định của bản thân. Bà còn kể nhiều câu chuyện về tâm linh, về truyền thống lịch sử, về nghề... “Chúng tôi xây dựng các tour du lịch để du khách trải nghiệm. Hiện nay, vào cuối tuần, làng nghề Bát Tràng đã có hàng trăm khách đến tham quan. Tương lai gần, du lịch làng nghề chắc chắn sẽ phát triển, trở thành nguồn lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, bà Vinh đưa ra kỳ vọng của mình.

Thái Yên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động