Gian lận thi cử bằng công nghệ cao: Hệ lụy lớn, chế tài xử phạt nhẹ?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác thiết bị công nghệ cao để phục vụ việc gian lận thi cử ngày càng tinh vi |
Thiết bị gian lận rất tinh vi
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2022 trên địa bàn TP Hải Phòng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp cùng các lực lượng chức năng kiểm tra đối tượng P.Đ.Q, SN 2002, đăng ký thường trú tại phường Thành Tô, quận Hải An đang mua bán thiết bị công nghệ cao phục vụ gian lận thi cử.
Tang vật thu giữ gồm: 15 bộ thiết bị tai nghe siêu nhỏ, 1 điện thoại Nokia đã được kết nối dây dẫn có gắn 1 micro nhỏ và 4 tai nghe siêu nhỏ dạng hạt từ, kích thước khoảng 2mm. Đối tượng khai, khi sử dụng, người dùng cho hạt tai nghe siêu nhỏ vào lỗ tai, điện thoại lắp sim và micro được giấu trong quần áo đế liên lạc ra ngoài phòng thi.
Điều tra mở rộng, CQCA đã triệu tập, đấu tranh với đối tượng Lê Xuân Tùng, 32 tuổi, trú tại khu 14, xã Tiên Phú, huyện Phú Ninh, tỉnh Phú Thọ là người bán số thiết bị trên cho P.Đ.Q. CA đã thu giữ tiếp 14 bộ thiết bị tai nghe siêu nhỏ, 3 camera ngụy trang cùng hàng trăm linh kiện điện tử để lắp ráp thành các thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ gian lận trong thi cử.
Hiện CQCA đang đấu tranh làm rõ hành vi của các đối tượng để xử lý theo qui định của pháp luật.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý về hành vi gian lận thi cử bằng công nghệ cao, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội đánh giá: "Hiện nay, việc mua bán thiết bị công nghệ phục vụ cho mục đích gian lận trong thi cử đang là vấn đề đặc biệt được dư luận quan tâm. Những đối tượng buôn bán kinh doanh các loại thiết bị công nghệ phục vụ gian lận thi cử đều là vi phạm pháp luật, cần phải được kiểm tra và xử lý nghiêm minh".
Theo luật sư Thái, hành vi “phục vụ” cho việc gian lận trong thi cử bằng hình thức này hay hình thức khác đều là những hành vi sai lệch, ảnh hưởng không tốt đến công bằng xã hội, những người học hành, làm việc nghiêm túc bằng chính khả năng, thực lực của mình thì mất đi cơ hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì hệ lụy vô cùng lớn. “Vì vậy phải nhìn nhận sự việc đúng mức độ của nó, nhận thức được hậu quả của hành vi sẽ ảnh hưởng đến cả một cộng đồng, không thể vì lợi nhuận kinh tế trước mắt mà làm điều sai trái cả về mặt đạo đức và pháp luật như vậy”, luật sư Thái cho hay.
Cần tăng mức phạt tiền lên nhiều lần
Theo đó, hành vi của các đối tượng cung cấp thiết bị gian lận thi cử, đều có dấu hiệu vi phạm về kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác quy định tại Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trên thực tế, giá cả các thiết bị này từ vài trăm đến gần chục triệu một bộ. Khi bị CQĐT phát hiện, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt cao nhất từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng. Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
“Nếu cơ quan chức năng không phát hiện và xử lý kịp thời việc kinh doanh trái pháp luật thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị để gian lận sẽ gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực. Theo tôi, pháp luật cần nghiêm khắc hơn đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh, sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận thi cử. Bởi vì một số đối tượng bán thiết bị gian lận thi cử dễ "ngựa quen đường cũ". “Phạt chỗ này, họ có thể mở địa điểm kinh doanh khác. Do đó, cần tăng mức phạt tiền lên nhiều lần. Không chỉ vậy, pháp luật nên bổ sung xử lý việc buôn bán, kinh doanh thiết bị, dụng cụ sử dụng với mục đích gian lận trong thi cử vào BLHS”, luật sư Thái nhấn mạnh.
Luật sư Thái cũng cho biết, trong bối cảnh không gian mạng phát triển rầm rộ, thiết bị công nghệ ngày càng hiện đại, tinh vi, mắt thường khó phát hiện, một khi cá nhân hay tổ chức lợi dụng công nghệ triển khai hoạt động phạm pháp sẽ gây ra hệ quả đặc biệt nghiêm trọng, khó giải quyết.
“Hãy dùng thiết bị công nghệ đối phó lại thiết bị công nghệ. Mấy năm qua, không ít trường đại học sáng chế và ứng dụng thành công máy phát hiện thiết bị công nghệ cao. Đây là giải pháp cần đầu tư và ứng dụng rộng rãi trong quá trình tổ chức thi”, luật sư Thái cho biết.
Tại Hội nghị về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Ủy viên Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho biết: Các thiết bị camera giấu kín có thể có hình thức rất nhỏ, thí sinh có ý định vi phạm có thể lợi dụng khẩu trang để giấu thiết bị này. Giải pháp ngăn ngừa chính là cách ly thiết bị trung gian. Quy định bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25m để bảo quản vật dụng cá nhân và các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi là nhằm thực hiện điều này. |
CQCA khuyến cáo, việc sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận trong thi cử là vi phạm qui chế thi. Những trường hợp này khi bị phát hiện trong phòng thi, dù có sử dụng hay không thì đều bị xử lý nghiêm theo qui định. Đây là nhũng những bài học đắt giá mà các thí sinh cần chú ý bởi chỉ một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến lãng phí công sức học tập trong 12 năm. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại