Thứ sáu 29/03/2024 02:17

Giảm khó khăn về vốn cho học tập đối với học sinh, sinh viên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg (Quyết định 05) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 157/2007/QĐ-TTg (Quyết định 157) của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, mức cho vay tối đa sẽ được điều chỉnh nâng lên 4 triệu đồng/tháng/học sinh sinh viên. Mức lãi suất áp dụng là 6,6%/năm (0,55%/tháng). Quyết định 05 dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 19-5-2022.
Mức cho vay tối đa sẽ được điều chỉnh nâng lên 4 triệu đồng/tháng/học sinh sinh viên. Mức lãi suất áp dụng là 6,6%/năm (0,55%/tháng). Quyết định 05 dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 19-5-2022
Mức cho vay tối đa sẽ được điều chỉnh nâng lên 4 triệu đồng/tháng/học sinh sinh viên. Mức lãi suất áp dụng là 6,6%/năm (0,55%/tháng). Quyết định 05 dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 19-5-2022

Cơ hội để học sinh, sinh viên tiếp cận dòng vốn ngân hàng

Quyết định này đã mở rộng cánh cửa cho học sinh, sinh viên tiếp cận tốt hơn dòng vốn ngân hàng, tháo gỡ bớt khó khăn do học phí và chi phí sinh hoạt đã tăng lên qua các năm. Theo đó, thế hệ trẻ có thể có thêm cơ hội được học tập tốt hơn, góp phần cải thiện chất lượng nguồn lực lao động cho xã hội trong tương lai.

So với mức vốn cho vay năm 2007 là 800.000 đồng/tháng/học sinh sinh viên, sau 15 năm mức vốn cho vay đã tăng được 3,2 triệu đồng/tháng/học sinh sinh viên. Từ năm 2019 đến nay, mức vốn cho vay được điều chỉnh tăng luôn lớn hơn 60%, cụ thể, năm 2019 tăng khoảng 66,6% so với 2017 và năm 2022 tăng 60% so với 2019.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mức cho vay 2,5 triệu đồng/tháng/học sinh sinh viên mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập. Mức chi phí học tập bình quân của một học sinh sinh viên khoảng 6,5 triệu đồng/tháng đến 9,5 triệu đồng/tháng.

Quyết định 05 cũng sửa đổi một số nội dung khác như: Đối tượng được vay vốn (sửa đổi Khoản 2 Điều 2), theo đó đối tượng được vay vốn bao gồm: (a) Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; (b) Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: (i) Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; (ii) Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; (iii) Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật. Như vậy, Quyết định bổ sung thêm đối tượng được vay vốn là hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật (Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH và Quyết định 24/2021/QĐ-TTg).

Trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên (sửa đổi Khoản 2 Điều 9): thời điểm đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi lần đầu tiên là kể từ ngày HSSV kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định. Quy định mới không xét đến tình trạng việc làm của học sinh sinh viên, cứ sau 12 tháng kể từ ngày học sinh sinh viên kết thúc khóa học, người vay vốn (đại diện hộ gia đình của học sinh sinh viên) có nghĩa vụ phải trả nợ gốc, lãi lần đầu tiên cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Quy định mới hỗ trợ cho cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội không cần phải thường xuyên theo dõi, giám sát tình trạng việc làm của học sinh sinh viên trong vòng 12 tháng sau khi kết thúc khóa học.

Miễn lãi phạt trả nợ trước hạn (sửa đổi Khoản 2 Điều 9): theo quy định mới đối tượng vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không phải chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.

Mức vay vốn tối đa được điều chỉnh phù hợp với lộ trình tăng học phí

Theo đánh giá của giới chuyên môn, mức vay vốn tối đa được điều chỉnh như trên là khá phù hợp với lộ trình tăng học phí, khả năng huy động vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, khả năng cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của ngân sách nhà nước. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện nay, hệ thống công nghệ thông tin quản lý dữ liệu của ngân hàng chính sách đã được hiện đại hóa và liên thông trên toàn quốc, giúp việc chuyển trả nợ thuận tiện, qua đó có thể cung cấp các thông tin liên quan đến sinh viên vay vốn cho các nhà trường để cùng phối hợp thực hiện, cũng như quản lý đối tượng vay vốn và sử dụng vốn tốt hơn trong thời gian tới.

Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, ngân hàng đã có sự chuẩn bị đầy đủ về nguồn vốn cho việc thực hiện tăng hạn mức cho vay đối với học sinh, sinh viên theo tinh thần Quyết định 05. Ngoài ra thời gian tới, ngân hàng cũng sẽ ban hành thêm những quy trình cụ thể để hướng dẫn các đơn vị triển khai khi Quyết định 05 có hiệu lực từ tháng 5 tới.

Về nguồn vốn từ ngân sách, tín dụng học sinh, sinh viên cũng nằm trong gói tín dụng chung của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó, đầu tháng 3-2021, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tăng dư nợ tín dụng 8% cho Ngân hàng Chính sách xã hội so với năm 2021 đối với các chương trình tín dụng chính sách được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm (không bao gồm kế hoạch tăng dư nợ tín dụng các chính sách cho vay ưu đãi thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ).

Ngoài ra, trong thời gian triển khai chính sách cho vay học sinh sinh viên thời gian trước đây, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã phối hợp với một số ngân hàng thương mại khác như VietinBank, Agribank… tiến hành mở tài khoản qua thẻ cho học sinh, sinh sinh viên. Do vậy hộ gia đình có thể hoàn thiện hồ sơ nhận tiền vay vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng tiền có thể chuyển trực tiếp qua thẻ cho học sinh, sinh viên.

Tính đến ngày 31-12-2020, dư nợ cho vay học sinh sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.469 tỷ đồng, chiếm 4,6% so với tổng dư nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay 44.585 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động