Chủ nhật 19/05/2024 10:44

Giải pháp nào để duy trì sự an toàn các bếp ăn bán trú cho học sinh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến thông tin có tới 33 học sinh ở hai trường tiểu học tại huyện Đông Anh, Hà Nội có các biểu hiện nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bán trú tại trường như đau bụng, đi ngoài, buồn nôn... Một lần nữa, tình trạng an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú lại được đặt ra, nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này.

33 học sinh có biểu hiện ngộ độc

Khi năm học 2020 - 2021 vừa mới bắt đầu được ít ngày, không ít phụ huynh tại huyện Đông Anh, Hà Nội vô cùng lo lắng khi con mình về nhà có các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, đi ngoài… sau khi ăn bán trú tại trường. Theo bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, trên địa bàn đã xảy ra hiện tượng nhiều học sinh tại hai trường tiểu học Tiên Dương (22 em) và tiểu học Lê Hữu Tựu (11 em) có biểu hiện nghi do ngộ độc thực phẩm, một số em phải nhập viện điều trị.

Ngay sau khi nắm bắt thông tin, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh. Huyện đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, liên hệ với Bệnh viện Bắc Thăng Long tiếp nhận, điều trị cho các em học sinh. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm tại các trường này và tạm đình chỉ hoạt động của các bếp ăn.

Theo ghi nhận, vào trưa 10-9, tại trường tiểu học Lê Hữu Tựu tổ chức cho 948 học sinh ăn bán trú. Thực đơn gồm các món: đậu sốt cà chua, canh rau cải, giò rán rim mắm, su su xào cà rốt và cơm trắng do hộ kinh doanh Lê Tuấn Mạnh nấu tại trường. Vào buổi học sáng 11-9 có 16 học sinh nghỉ học với nhiều lý do. Trong đó 11 em có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài 2 - 3 lần; 1 em kèm theo sốt nhẹ, được điều trị tại nhà. Trung tâm y tế huyện Đông Anh đã lấy 7 mẫu thực phẩm trong bữa ăn nói trên để xét nghiệm.

Trong đó, có 5 mẫu thức ăn lưu bữa trưa 10-9. Ngoài ra, hộ kinh doanh cung cấp suất ăn cho trường đã xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến hoạt động an toàn vệ sinh thực phẩm được cấp phép. Kiểm tra điều kiện thực tế cho thấy: Bếp theo nguyên tắc một chiều, có biện pháp ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại, có đầy đủ dụng cụ chế biến riêng đối với thực phẩm tươi sống, đã qua chế biến, lưu mẫu thức ăn theo quy định, sử dụng nguồn nước sạch nhà máy để chế biến thực phẩm.

giai phap nao de duy tri su an toan cac bep an ban tru cho hoc sinh
Vấn đề duy trì an toàn cho các bếp ăn bán trú luôn là điều mà nhiều bậc phụ huynh vô cùng quan tâm.

Còn trong ngày 9-9, tại trường Tiểu học Tiên Dương có 22 học sinh có biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm khuẩn đường ruột. Trong đó, 4 học sinh nằm viện sau bữa ăn bán trú ngày 9-9. Theo tìm hiểu, hộ kinh doanh Vũ Quỳnh (thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) là đơn vị cung cấp suất ăn sẵn cho Trường Tiểu học Tiên Dương với 13 nhân viên trực tiếp chế biến suất ăn, bữa trưa ngày 9/9. Thực đơn gồm các món: thịt kho tầu, trứng chim cút chiên, canh rau ngót, su su xào tỏi, cơm trắng.

Kiểm tra tại cơ sở cung cấp suất ăn, cơ sở này sử dụng nguồn nước giếng khoan đã lọc để chế biến thực phẩm nhưng chưa xuất trình được xét nghiệm; thiếu lưới phòng, chống côn trùng, động vật gây hại, có côn trùng xâm nhập. Nhà vệ sinh bố trí bên trong nhà kho. Cơ quan chức năng đã yêu cầu hộ kinh doanh Vũ Quỳnh dừng hoạt động, ngừng cung cấp suất ăn sẵn cho trường Tiểu học Tiên Dương để điều tra sự việc. Hiện tại sức khỏe của các em học sinh đã ổn định trở lại.

giai phap nao de duy tri su an toan cac bep an ban tru cho hoc sinh
Ảnh minh họa

Giải pháp duy trì an toàn thực phẩm

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số trường ở Hà Nội như Mầm non Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm), Tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Đông), công tác duy trì an toàn của bếp ăn bán trú được đặt lên hàng đầu. Nơi chế biến thức ăn được thiết kế theo nguyên tắc một chiều; có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến; có đủ dụng cụ chia, gắp, chứa đựng thức ăn, dụng cụ ăn uống bảo đảm sạch sẽ, thực hiện chế độ vệ sinh hàng ngày. Khu vực ăn uống của học sinh được bố trí thoáng mát, có đủ bàn ghế và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ. Có đủ sổ sách ghi chép thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có đủ dụng cụ lưu mẫu thức ăn, tủ bảo quản mẫu thức ăn lưu và bảo đảm chế độ lưu mẫu thực phẩm tại cơ sở ít nhất là 24 giờ kể từ khi thức ăn được chế biến xong…

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đến từ Viện Công nghệ Thực phẩm – ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, vai trò của các bếp ăn bán trú hiện nay là rất quan trọng, khi nhu cầu của phụ huynh cho con ăn ở trường là rất chính đáng. Tuy nhiên phải đảm bảo an toàn bữa ăn cho các con là điều ai cũng quan tâm. Ông Thịnh cho biết, một trong các nguyên nhân hàng đầu của hiện tượng ngộ độc thực phẩm ở trẻ em chính là khâu kiểm soát không tốt nguồn nguyên liệu đầu vào. Đó là thịt, cá, rau củ quả… đã bị nhiễm độc do vi sinh vật rồi sinh ra độc tố. Tiếp đó là quá trình chế biến thực phẩm không được đảm bảo an toàn. Ví dụ, khi chế biến, nồi niêu xoong chảo không được rửa sạch theo quy định.

Bản thân người nhân viên nhà bếp không được trang bị đầy đủ các trang phục, đồ bảo hộ như khẩu trang, gang tay… mà lại tiếp xúc với thực phẩm chín nên nguy cơ lây truyền vi sinh vật có hại vào thức ăn là rất cao. Bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm vi sinh vật nằm ở khâu vận chuyển, chia thức ăn từ bếp ra các đĩa, suất ăn nhỏ. Dụng cụ để chia, vận chuyển thức ăn không được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ theo quy định…

Vị chuyên gia về thực phẩm khuyến cáo, để duy trì sự an toàn cho các bếp ăn tập thể, nhất là bếp ăn bán trú cho học sinh thì nhất thiết phải khắc phục tốt được các nguyên nhân kể trên. Trong cả một dây chuyền sản xuất thực phẩm từ lúc còn tươi sống đến khi học sinh ăn, chỉ cần một khâu bị lỗi, dù nhỏ cũng có thể sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc do bị nhiễm vi sinh vật có hại vào thức ăn, gây ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm. Với mỗi trường học, việc đầu tiên là kiểm soát thật chặt chẽ nguồn nguyên liệu thực phẩm đầu vào mỗi buổi sáng. Nếu qua cảm quan bằng mắt thường, sờ tay ấn vào thấy thực phẩm không đảm bảo thì cần kiên quyết yêu cầu đổi trả ngay lập tức.

Tiếp đó là quá trình vận chuyển thức ăn của cơ sở sản xuất đến các trường cũng là khâu vô cùng quan trọng, bởi một trong các nguồn lây nhiễm vi sinh vật vào thức ăn chính là ở khâu này. Học sinh trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh phải được rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy đúng quy định. Vệ sinh bếp ăn, các dụng cụ phục vụ bán trú phải được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc. Tập huấn cho đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên trong trường kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm…

Theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm: Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% - 60%; hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% - 60%. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 3 đến 7 năm: Phạm tội có tổ chức; làm chết 1 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; phạm tội 2 lần trở lên…

Đình Tuệ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động