Thứ sáu 19/04/2024 15:49

Giá vật liệu xây dựng vẫn không có dấu hiệu dừng tăng: Chủ đầu tư lẫn nhà thầu "khóc ròng"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
4 tháng đầu năm, thị trường vật liệu xây dựng ghi nhận nhiều loại vật liệu tăng giá “chóng mặt” với mật độ điều chỉnh giá liên tục và dày đặc, trong đó phổ biến là sắt, thép, xi măng, cát xây dựng…
Giá vật liệu xây dựng vẫn không có dấu hiệu dừng tăng: Chủ đầu tư lẫn nhà thầu
Các nhà thầu cho hay, chỉ trong mấy tháng đầu năm mà giá vật liệu xây dựng tăng mạnh nhiều lần như vậy nên không nhà thầu nào chịu nổi nếu đã ký hợp đồng từ trước

Tăng 10-20%, thậm chí là 40%

Không chỉ giá sắt thép tăng cao (khoảng 40%) mà gần như giá tất cả các loại nguyên vật liệu như: xi-măng, cát, đá, nhôm, kính… đều đang “leo thang” đã khiến nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng phải liêu xiêu.

Đến thời điểm này, giá thép xây dựng dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc các nguyên - nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại khiến giá thép liên tục bị đẩy lên cao. Cụ thể, tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá thép đã tăng 7 lần, tổng mức tăng lên đến 2,4 triệu đồng/tấn, từ mức 16,5-17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn. Hiện mức giá của nhiều loại thép xây dựng trên thị trường như: Hòa Phát, Việt Nhật, Việt Ý, Pomina, thép Thái Nguyên, thép Miền Nam… vào khoảng 20 triệu đồng/tấn. Tính riêng từ đầu năm 2022, các loại vật liệu xây dựng tăng giá mạnh theo giá xăng dầu cũng như chịu tác động bởi căng thẳng Nga - Ukraine đã tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng các công trình, dự án đầu tư công. Giá thép xây dựng liên tục tăng mạnh 600.000 - 1.400.000 đồng/tấn tùy loại.

Trong khi đó, các loại vật liệu xây dựng khác như cát, gạch cũng tăng khá mạnh. Thống kê trong ba tháng đầu năm 2022 của các hiệp hội liên quan tới xây dựng và vật liệu xây dựng cho thấy, nhiều loại vật liệu xây dựng tiếp tục tăng giá mạnh, trong đó một số mặt hàng có mức tăng vượt đỉnh, chẳng hạn xi-măng hiện tăng 100.000 đồng/tấn tùy thương hiệu, gạch xây dựng tăng khoảng 10%, gạch ốp trang trí tăng 10-15%, cát tăng 10.000 đồng/m3… so đầu năm. Đặc biệt, xi-măng trong nước đang chịu áp lực tăng giá lớn khi các nhiên liệu đầu vào như than, xăng dầu tăng giá.

Đánh giá của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, xi-măng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng nguyên nhiên liệu. Cụ thể, giá than nhập khẩu vẫn giữ ở mức cao, do chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường năng lượng thế giới. Hiện cả nước có 90 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 106,6 triệu tấn/năm, trong thực tế có thể sản xuất lên đến 122 triệu tấn/năm. Thị trường xi măng đang chứng kiến tình trạng cung vượt cầu ở mức cao. Bên cạnh áp lực dư cung, ngành xi măng còn đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng. Trong quý 1/2022, giá xi măng tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn, tương đương tăng 1-3% so với quý 4/2021 và tăng 11-15% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân nhiều vật liệu xây dựng tăng giá mạnh là do nhu cầu về xây dựng tăng cao sau Tết. Nhu cầu về vật liệu xây dựng càng tăng cao khi nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn được khởi công xây dựng trong năm 2022 như dự án sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến cao tốc Bắc – Nam và các tuyến vành đai khác. Một yếu tố khác cũng tác động lên lĩnh vực vật liệu xây dựng là xăng dầu. Giá xăng dầu liên tục tăng đã đẩy chi phí vận chuyển tăng cao, tạo thêm áp lực tăng giá trên nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng.

Một điều đáng lo là Bộ Xây dựng dự báo giá các loại vật liệu xây dựng thiết yếu như xi măng, sắt thép sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới.

Vào ngày 15/4/2022, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công văn số 2360/VPCP-CN yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông. Theo đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách theo thẩm quyền về cơ chế chính sách quản lý giá nhiên, vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã có Công văn số 959/BXD-KTXD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xác định, công bố giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng, tránh tình trạng đầu cơ, thổi giá.

Chủ đầu tư lẫn nhà thầu đều khóc ròng

Trong quý 1 và đầu quý 2/2022, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng đều nhận được thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp các loại vật liệu xây dựng khiến nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp khó.

Các nhà thầu cho hay, chỉ trong mấy tháng đầu năm mà giá vật liệu xây dựng tăng mạnh nhiều lần như vậy nên không nhà thầu nào chịu nổi nếu đã ký hợp đồng từ trước. Các công ty quy mô nhỏ thì không dám bỏ giá thầu, vì bỏ giá cao thì không trúng, còn bỏ giá thấp thì lại không có lời.

Giá vật liệu xây dựng vẫn không có dấu hiệu dừng tăng: Chủ đầu tư lẫn nhà thầu
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá thép đã tăng 7 lần, tổng mức tăng lên đến 2,4 triệu đồng/tấn, từ mức 16,5-17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn

Giá tăng khiến các đơn vị trung gian, đại lý cung cấp cho các công trình... dù không muốn tăng giá nhưng các công ty đã thông báo tăng họ phải tăng kéo theo tác động dây chuyền đến cả nhà thầu, đơn vị thi công đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ giá thành vật liệu xây dựng... Trong khi các đơn vị đã ký hợp đồng với chủ đầu tư, chủ nhà nên không thể tăng giá lên được, vì vậy nguy cơ lỗ hoặc lãi ít rất lớn trong năm 2022, thậm chí nhiều công trình rơi vào cảnh vỡ tiến độ nếu giá không hạ nhiệt.

Theo tính toán của nhiều chủ thầu xây dựng, mỗi công trình chỉ lời khoảng 3-5%. Trong khi giá vật liệu xây dựng tăng trong thời gian qua vượt quá mức 10%, do đó chắc chắn các nhà thầu sẽ lỗ nếu tiếp tục thi công công trình. Qua khảo sát thực tế cho thấy, do hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng loại hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký kết nên phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng.

Tại một số gói thầu, dự án có hiện tượng nhà thầu thi công cầm chừng, cá biệt có trường hợp dừng thi công do không đủ nguồn lực để thực hiện, làm chậm tiến độ công trình, dự án. Thậm chí, có nhà thầu đã chọn giải pháp thay vì thi công cầm chừng chờ giá vật liệu xây dựng giảm xuống thì phải đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công nhằm hạn chế ảnh hưởng từ giá vật liệu có thể tiếp tục tăng. Đồng thời, triệt để tiết kiệm các chi phí khác. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn huy động nguồn vốn của cổ đông và vốn tự có của đơn vị để chủ động mua đầy đủ vật liệu xây dựng phục vụ thi công đề phòng bị tiếp tục tăng giá bất ngờ.

Khẩn trương triển khai các giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương công bố giá vật liệu xây dựng
Bình ổn thị trường vật liệu xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng theo quy định
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động