Giá cau và tính bền vững trong đầu ra của thị trường
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGiá cau lúc lên lúc xuống khiến người nông dân không tránh khỏi lo lắng (vườn cau một người dân ở Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Khánh Huyền |
Giá cau cao nhất Việt Nam thương lái đang thu mua ở xã trồng cau Hải Đường, huyện Hải Hậu của tỉnh Nam Định là 90.000 đồng/kg. Với cái giá thu mua cao chót vót này, thương lái chỉ “ưu ái” dành cho các buồng cau cắt đúng độ, sai quả, quả đồng đều, đúng kích cỡ.
Tuy nhiên, giá cau lúc lên lúc xuống cũng khiến người nông dân - dù bây giờ đang bán cau mua được vàng vẫn không tránh khỏi lo lắng.
Thời gian vừa qua, người nông dân đang rất vui vì giá cau tươi tăng nhanh, chưa có dấu hiệu dừng. Chỉ một buồng cau khoảng 10kg bán đi cũng thu về cả triệu đồng, trong khi trước đó có thời điểm giá cau chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg còn không có ai mua.
Chỉ mới giữa mùa nhưng thu nhập của nhiều nhà vườn đã tăng đáng kể từ vườn cau. Song vì không chắc chắn liệu giá cau tươi có duy trì ổn định ở mức này một thời gian dài hay không nên nhiều hộ vẫn dè dặt trước dự định trồng thêm cau.
Theo thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), lí do giá cau tươi tăng mạnh là do một số đầu mối tiêu thụ tại Trung Quốc đang tăng cường mua cau từ Việt Nam khi các nguồn cung khác như Thái Lan, Philippines và nguồn cung nội địa là đảo Hải Nam bị hụt không đủ đáp ứng nhu cầu cho việc chế biến mặt hàng kẹo cau, một loại kẹo bình dân và có tác dụng chống lại cái lạnh.
Loại cây này chỉ được trồng xen hoặc trồng bờ rào nên sản lượng không lớn và rải rác nhiều nơi nên hàng không có nhiều. Chỉ một số địa phương tại Việt Nam có trồng cau như: Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung,... Hơn nữa, bây giờ đang là cuối vụ nên giá cau bị đẩy lên cao. Theo báo cáo tổng hợp của VINAFRUIT, trong tháng 8, xuất khẩu cau của Việt Nam đạt 9,28 triệu USD, tăng hơn 120 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 8 tháng của năm 2024 đạt 21,2 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 51,3%.
Tuy nhiên tin tức những ngày gần đây cho thấy giá thu mua cau đang có xu hướng giảm dần khiến nhiều vùng trồng cau ra ngóng vào trông cũng như đợi thương lái tới mua. Đặc biệt trong hai ngày gần đây giá cau đã giảm khoảng 20.000 đồng/kg. Nhiều vùng trồng cau đã cho biết, bóng thương lái mua cau đang thưa thớt dần báo hiệu một cái kết có thể không mấy vui vẻ cho vụ cau năm nay, nhất là thời điểm này đã là cuối vụ cau. Bản thân thương lái Trung Quốc đi thu mua cau những ngày này cũng liên tục hóng chờ tin tức thu mua từ các công ty ở “nhà”.
Theo Vinafruit, quả cau có thị trường hẹp. Thị trường trong nước giờ hầu như không còn người ăn trầu cau, chỉ dùng vào các dịp lễ Tết, cưới hỏi. Do đó, giá cao cũng thất thường. Không nên vì giá cau cao như hiện nay mà nông dân phát triển vùng trồng chuyên canh bởi đầu ra rất hẹp. Tuy nhiên, việc trồng cau bờ rào để tạo cảnh quan và tăng thu nhập thì nên khuyến khích vì cây cau có tính thẩm mĩ và không ảnh hưởng đến các cây trồng khác.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, cây cau không phải là sản phẩm chủ lực để xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước nên hiện gần như không có vùng trồng cố định. Do thị trường không ổn định nên việc tập trung đầu tư trồng loại cây này ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Nếu không xuất khẩu được thì chỉ có cách bỏ đi, do vậy người dân nên trồng xen canh với một số cây trồng khác dưới tán cau như ổi, sả, dứa... để không bị đứt quãng thu nhập khi cau rớt giá. Cây cau có tán khá cao nên ít ảnh hưởng đến những loại cây ăn trái khác.
Câu chuyện giá cau vụ này “lên đỉnh” rồi bất ngờ “quay xe” đã cho thấy sự đầy bất trắc, đầy rủi ro từ nhiều năm nay khi mặt hàng cau trong nước tuy có nhiều vùng trồng song chỉ có duy nhất một đầu ra là thị trường Trung Quốc. Nghĩa là cuộc chơi này, thị trường Trung Quốc nắm đằng chuôi, nông dân, người trồng cây, nuôi con ở ta tưởng như ở thế thượng phong, hóa ra lại cầm đằng lưỡi.
Cơ quan chức năng ngành nông nghiệp, địa phương cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo với các loại cây trồng. Thế nhưng, nông dân mình mắc bệnh “hay quên” nên câu chuyện sau tăng giá là giảm mạnh, hay điệp khúc trồng rồi chặt vẫn cứ xảy ra. Bộ NN&PTNT đã nhiều lần khuyến cáo và định hướng, song quyết định trồng hay không lại nằm ở nông dân. Còn giá cả phải theo quy luật thị trường, thương lái không thu mua nữa, giá giảm thì cơ quan chức năng không can thiệp được. Phải mất 6-7 năm cây cau mới cho trái với năng suất ổn định. Thế nhưng nếu thị trường Trung Quốc ngừng tiêu thụ, người nông dân buộc phải phá bỏ vườn cau.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng, muốn phát triển cây cau bền vững phải có định hướng, trồng ở những vùng có lợi thế. Đặc biệt, phải có ký kết mua bán một cách bài bản với phía đối tác Trung Quốc. Còn buôn bán tiểu ngạch sẽ nhiều rủi ro.
Theo thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), việc giá thu mua tăng chóng mặt rồi lại rớt thê thảm lặp đi lặp lại với mặt hàng xuất khẩu tiểu ngạch. Cau là mặt hàng chỉ mới xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Do đó, vài năm nay câu chuyện cau giá tăng cao và rồi giảm mạnh cũng xảy ra nhiều lần. Cuối năm 2022, giá cau cũng tăng vọt lên 60.000 đồng/kg. Ngay sau đó, loại quả này giảm còn 3.000-4.000 đồng/kg khi Trung Quốc ngừng mua. |
Quý 3/2024: thị trường khách sạn Hà Nội duy trì ổn định | |
Dự báo nào thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2024 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại