Chủ nhật 24/11/2024 20:50
Quốc hội thảo luận Dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp:

Đúng đối tượng, không để tham nhũng, lãng phí

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, việc miễn, giảm thuế SDĐNN phải xem xét kỹ lưỡng, công khai, minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ trong việc quản lý thực hiện giảm thuế đúng đối tượng. Không để lợi dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc tham nhũng, lãng phí.

Ngày 25-5, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN).

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ. Góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo thêm việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp. Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Chính phủ đề xuất Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết 31-12-2025. Theo Chính phủvViệc ban hành dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội để tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN trong thời hạn 5 năm (từ 1-1-2021 đến hết 31-12-2025) là phù hợp vì đây chỉ là thực hiện miễn thuế cho thời gian nhất định. Đối với giai đoạn từ 2026 trở về sau, cần thiết phải có đánh giá tác động trong tổng thể các chính sách thuế liên quan đến bất động sản để đề xuất chính sách thuế chung đối với bất động sản đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và đảm bảo tính khả thi.

Phát biểu tại phiên họp, đa số đại biểu đều đồng tình với đề xuất này, vì đây là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn – chiếm tới 70% dân số của cả nước.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình, hiện mới chỉ có 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chiếm tỷ lệ khoảng 8% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trong đó có 93% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. So với tiềm năng, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp như hiện nay còn khá ít, quy mô còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

“Để góp phần đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản đạt 3%/năm, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành là cần thiết”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.

dung doi tuong khong de tham nhung lang phi
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, việc miễn, giảm thuế SDĐNN phải xem xét kỹ lưỡng, công khai, minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ trong việc quản lý thực hiện giảm thuế đúng đối tượng. Không để lợi dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc tham nhũng, lãng phí.

Cùng góc nhìn, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cũng cho rằng, cần có sự phân loại và quy định đối với một số đối tượng cho phù hợp chứ không phải là một nghị quyết chỉ kéo dài thời gian thực hiện.

Đại biểu dẫn chứng, điểm b khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 55/2010/QH12 có quy định: “Đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị kinh tế khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho các tổ chức, cá nhân khác nhận thầu hợp đồng hoặc sản xuất đất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi theo quy định của Luật Đất đai và trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp”.

Thực tiễn cho thấy, quy định này chưa được thực hiện một cách triệt để. “Tôi cho rằng giống như một sự hợp thức hóa để tiếp tục thực hiện nội dung này. Tình tình trạng này kéo dài cũng đã 10 năm rồi, nếu tiếp tục kéo dài nữa, sẽ không thể nào giải quyết dứt điểm được”, đại biểu Trần Thị Hoa Ry nói.

Theo Chính phủ, tổng số thuế miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động