Đưa làng nghề Hà Nội vươn tầm quốc tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Du khách tham quan Bảo tàng gốm Bát Tràng. Ảnh: Mộc Miên |
Hai làng nghề gốm sứ Bát Tràng và lụa Vạn Phúc với giá trị độc đáo trong từng sản phẩm và sự tâm huyết của các nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề Hà Nội đã đáp ứng tiêu chí của Hội đồng Thủ công thế giới. Từ đánh giá toàn cảnh về giá trị lịch sử, truyền thống và tác động phát triển kinh tế, hai làng nghề tiêu biểu Hà Nội chính thức trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới. Đây cũng là hai làng nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam đón nhận danh hiệu này.
Những ngày đầu Xuân, các cơ sở sản xuất kinh doanh tại làng nghề gốm Bát Tràng tất bật vào mùa Giêng hai đón khách du lịch. Dù lượng hàng hóa không còn nhộn nhịp như thời điểm trước Tết nhưng tại chợ gốm Bát Tràng, Lò Bầu cổ có tuổi đời 100 năm hay kiến trúc Đình làng, đền Mẫu, đặc biệt Trung tâm Làng nghề Việt (hay còn gọi là Bảo tàng gốm Bát Tràng) là điểm đến du Xuân được nhiều du khách chọn lựa. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng xuất khẩu nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ và thường xuyên tham gia các Festival, lễ hội, hội chợ quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống. Các nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu của làng nghề gốm sứ Bát Tràng không chỉ dày công sáng tạo sản phẩm mới, giữ nghề truyền thống, tập trung phát triển du lịch trải nghiệm.
Tại Bảo tàng gốm Bát Tràng, khu vực “Quảng trường bàn xoay” đã trở thành không gian nghệ thuật thủ công để du khách khám phá, trải nghiệm nghề làm gốm truyền thống. Điểm yêu thích nhất là du khách được “mục sở thị” về quá trình tạo tác sản phẩm gốm từ các công đoạn chính nặn, vuốt đến quá trình hoàn thiện sản phẩm. Sau quá trình trải nghiệm, du khách được mang sản phẩm sấy khô mang về. Đó cũng là cách giữ gìn tinh hoa làng gốm Việt.
![]() |
Không gian du lịch tại làng lụa Vạn Phúc. Ảnh: Lê Minh |
Tại làng lụa Vạn Phúc, hoạt động trải nghiệm nghề dệt lụa dù không phong phú như làng gốm sứ Bát Tràng nhưng mang đến nét độc đáo riêng có của sản phẩm thủ công truyền thống. Bên cạnh điểm đến các gian hàng bày bán sản phẩm thì tại Trung tâm Thiết kế sáng tạo giới thiệu, quảng bá, bày bán sản phẩm OCOP để du khách có thể tham quan xưởng dệt, tìm hiểu quá trình sản xuất và mua sắm sản phẩm lụa chính hiệu.
Điểm nhấn là con đường ô nổi tiếng của làng lụa Vạn Phúc, nơi được nhiều du khách yêu thích chụp ảnh. Với định hướng phát triển đột phá, đến nay hai làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc là điểm đến du lịch làng nghề hấp dẫn.
Từ dấu mốc thành công đầu tiên, ngành Nông nghiệp Thủ đô đặt mục tiêu phấn đấu năm 2025 sẽ có thêm 2 làng nghề tiêu biểu của Hà Nội được kết nạp thành viên chính thức mạng lưới Làng nghề thủ công thế giới. Đây là cơ hội rộng mở cho làng nghề Hà Nội trong việc khẳng định thương hiệu sản phẩm làng nghề hội nhập với toàn cầu, trở thành điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa.
![]() | Hà Nội: Sổ tay điện tử sẽ giúp cho các làng nghề truyền thống phát triển |
![]() | Hà Nội: phát triển làng nghề bền vững |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại