Thứ bảy 27/04/2024 17:59

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: trừ điểm Giấy phép lái xe?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) được thông qua sẽ nâng cao được ý thức của tài xế, là một bước tiến khác giúp giảm thiểu tai nạn giao thông.
Theo đề xuất, điểm sẽ được gán cho bằng lái xe và nếu trong một năm mất hết điểm, người đó sẽ phải thi lại giấy phép lái xe sau 6 tháng
Theo đề xuất, điểm sẽ được gán cho bằng lái xe và nếu trong một năm mất hết điểm, người đó sẽ phải thi lại giấy phép lái xe sau 6 tháng. Ảnh minh họa: Lê Mận

Mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm

Mới đây, Bộ Công an đã có dự thảo báo cáo Quốc hội giải trình một số nội dung của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định trừ điểm GPLX.

Bộ Công an cho biết, điểm sẽ được gán cho bằng lái xe và nếu trong một năm mất hết điểm, người đó sẽ phải thi lại GPLX. Dự kiến mỗi người có 12 điểm/năm. Theo đề xuất, vi phạm nhiều lần, trừ hết điểm, GPLX sẽ không còn hiệu lực. Tài xế muốn được cấp GPLX mới thì 6 tháng sau sẽ phải học và thi sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu.

Lý giải về đề xuất này, Bộ Công an cho rằng hiện nay ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, điều đó được chứng minh qua việc xử lý vi phạm giao thông hằng năm ở mức cao, trên 3 triệu trường hợp vi phạm.

Cạnh đó, tai nạn giao thông trong nước tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao và vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người vẫn còn nhiều mà nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ. Thêm vào đó, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp GPLX hiện nay đang bị buông lỏng, cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe.

Để luật hóa quy định trên, Bộ Công an cho rằng cần hiểu trừ điểm GPLX sẽ là một biện pháp quản lý Nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính), nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay. “Trên cơ sở đó, việc trừ điểm bằng lái xe sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe…” - Bộ Công an nêu quan điểm.

Công khai, minh bạch tránh tiêu cực

Trước đề xuất trên, nhiều người dân và các chuyên gia bày tỏ đồng tình và kỳ vọng việc trừ điểm GPLX sẽ khuyến khích đội ngũ tài xế chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.

Anh Trần Quang Khởi, ở huyện Đan Phượng, Hà Nội đánh giá, việc Bộ Công an tiến hành trừ điểm GPLX là phù hợp với tình hình thực tế tham gia giao thông ở Việt Nam. Qua việc trừ điểm GPLX sẽ nâng cao được ý thức của người dân, xây dựng được văn hóa tham gia giao thông an toàn, văn minh. Việc trừ điểm GPLX sẽ đánh thẳng vào nỗi sợ phải đi sát hạch lại tốn kém thời gian, tiền bạc. Bên cạnh đó, việc trừ điểm trên hệ thống điện tử cũng đảm bảo được tính công khai, minh bạch tránh tiêu cực.

Chị Nguyễn Thị Huệ ở huyện Thanh Trì, Hà Nội nêu quan điểm,nhiều người hiện nay vẫn quen với kiểu vi phạm, nộp phạt nên khi chuyển sang quy định mới, cơ quan chức năng cần tuyên truyền, thực hiện từng bước để người dân thay đổi nhận thức. Bên cạnh đó, trong các lỗi dự kiến áp dụng trừ điểm, cơ quan chức năng cần chia thành các nhóm vi phạm cố ý và vô ý.

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, bày tỏ quan điểm ủng hộ và đánh giá đây là quy định rất tích cực. Bởi lẽ quy định này đảm bảo được việc nâng cao ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông. “Đây là giải pháp giáo dục hữu hiệu đối với tài xế, khắc phục được những nhược điểm của biện pháp xử phạt bấm lỗ, thu giữ bằng lái trước đây. Tuy vậy, cần cân nhắc cách thức tính điểm, trừ điểm, phục hồi điểm cho phù hợp với tình hình thực tế” - TS Nguyễn Xuân Thủy nêu ý kiến.

Về mức điểm và cách thức trừ điểm, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, Bộ Công an cần nghiên cứu một cách phù hợp, công bằng, cần áp dụng công nghệ để đảm bảo các quy định, không gây phiền hà cho người dân trong quá trình xử lý. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm tai nạn giao thông cần đánh giá nhiều yếu tố để xem xét trừ điểm hay xử phạt hành chính.

Bị trừ hết điểm phải học và thi lại

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trừ điểm GPLX không chỉ là biện pháp xử lý hành chính mà mục tiêu cao hơn là định hướng hành vi của mỗi người lái xe. Bởi, khi đã vi phạm và bị trừ điểm, tài xế muốn không tiếp tục bị mất điểm thì buộc không vi phạm luật nữa.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, hiện nay chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông vẫn chưa đủ sức răn đe. Điều này khiến nhiều người vi phạm tìm mọi cách để "lách" dẫn đến vi phạm tràn lan. Chính vị vậy, việc trừ mỗi điểm trên bằng lái xe cần được xây dựng theo quy chuẩn của pháp luật về an toàn giao thông. Khi đó, cơ quan quản lý mới đánh giá được lỗi đó sẽ bị trừ bao nhiêu điểm.

“Quan trọng nhất là làm thế nào để biết ai là người lái xe khi chúng ta đang tiến tới áp dụng triệt để, đồng bộ công nghệ trong vấn đề giám sát giao thông?Trường hợp không biết người nào đang điều khiển phương tiện, dễ dẫn đến tình trạng trốn tránh trách nhiệm bằng cách nhờ người khác "đánh tráo" GPLX. Do đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ các tình huống" - luật sư Nguyễn Hồng Thái góp ý.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng cho rằng, cần đặt ra điều kiện để thực hiện quy định trừ điểm này. Đó là cần có sự đồng bộ, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống định danh công dân. “Trước đây, cơ quan chức năng áp dụng hình thức "bấm lỗ bằng lái" một cách cơ học, nên tài xế vi phạm nhiều lần dễ dàng làm lại bằng lái xe khác.

Song với sự liên thông dữ liệu hiện nay, tình trạng này sẽ không thể tiếp diễn. Toàn bộ thông tin về số điểm GPLX, tình trạng bằng lái có bị tước hay không, thậm chí là số lần vi phạm đều được hiển thị qua định danh công dân của tài xế” - luật sư Nguyễn Hồng Thái phân tích.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể quản lý GPLX qua hệ thống điện tử.“Trong đó giải pháp trừ điểm GPLX có thể coi là sáng tạo, tiết kiệm thời gian công sức. Ở góc độ hiệp hội, chúng tôi rất ủng hộ các biện pháp tăng cường quản lý bằng phương thức mới đảm bảo thuận lợi cho người dân” - chuyên gia Bùi Danh Liên bày tỏ.
Hà Nội có thêm địa điểm tiếp nhận và cấp đổi giấy phép lái xe
Tước 25.320 giấy phép lái xe do tài xế vi phạm giao thông
Vượt đèn đỏ ở Hải Phòng, nữ tài xế bị phạt 5 triệu, tước giấy phép lái xe 2 tháng
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động