Du lịch Thủ đô “cất cánh” cùng chuyển đổi số quốc gia
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDu khách tham quan Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám với hệ thống vé điện tử. Ảnh Mộc Miên |
Từ những con số “ấn tượng”
Du lịch Hà Nội đã “thức giấc” sau nhiều tháng “ngủ đông” vì đại địch là đánh giá chung của du khách về các hoạt động của ngành du lịch năm 2022. Điểm nhấn là 45 chuỗi hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô trong dịp SEA Games 31.
Có thể kể tới các sự kiện tiêu biểu như: Ngày hội khinh khí cầu “Hà Nội muôn màu” đến “Lễ hội quà tặng du lịch 2022”; Lễ hội Du lịch Hà Nội 2022 với chủ đề “Hà Nội - Đến để yêu”; Liên hoan ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội; Festival Áo dài Hà Nội; Chương trình “Hành trình hữu nghị”; Khai trương du lịch Ba Vì; Phát động cuộc thi “Thiết kế sản phẩm quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2022” và “Ảnh Du lịch Hà Nội năm 2022”; Cuộc thi tuyển chọn Đại sứ du lịch Hà Nội và sáng tác bài hát về du lịch Hà Nội…
Sau thành công tuyến phố đi bộ Hồ Gươm thì việc khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây dịp lễ 30/4 và tái khởi động tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tuyến phố đi bộ trở thành “điểm hẹn du lịch” cho mỗi du khách vào dịp cuối tuần.
Dấu ấn du lịch Thủ đô còn kể tới các sản phẩm du lịch độc đáo khác như: Tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò cùng phiên bản thứ 3 “Đêm thiêng liêng - Sống như những đóa hoa”; Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; Tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; “Tour trải nghiệm “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch quanh Hà Nội bằng xe đạp, tour du lịch đêm Hà Nội bằng xe máy, hành trình “Hanoi City Tour” trên xe buýt 2 tầng là những tour du lịch ngắn ngày thú vị khi du khách muốn khám phá Hà Nội.
Bên cạnh các tour du lịch nội đô Hà Nội từng làm nên “thương hiệu”, hoạt động du lịch tại các điểm đến ngoại thành được khôi phục theo hướng đổi mới, gia tăng trải nghiệm cho du khách. Định hướng trở thành điểm đến tiêu biểu của Thủ đô, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) đang triển khai xây dựng tour đêm và sáng sớm đưa du khách khám phá nghề truyền thống và cuộc sống làng quê.
Tại Ba Vì, hàng loạt chương trình kích cầu, thu hút du khách từ các sản phẩm du lịch xanh, đậm đà bản sắc dân tộc. Thời gian tới, Ba Vì tiếp tục mở rộng các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng. Đồng thời, nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới như trải nghiệm leo núi, khám phá thiên nhiên, du lịch đường sông, chăm sóc sức khỏe…
Từ việc “kích cầu” đa dạng các chương trình, xây dựng sản phẩm du lịch mới, lạ tại các điểm đến đã thu hút đông đảo du khách. Theo thống kê từ Sở Du lịch Hà Nội, 10 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 15,38 triệu lượt du khách. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt gần 983.000 lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 14,4 triệu lượt khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 44 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, ngành du lịch Thủ đô hoàn thành được mục tiêu so với kế hoạch đề ra năm 2022 là đón và phục vụ 9-10 triệu lượt khách. Trong đó có 1,2 - 2 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,84 - 35,84 tỷ đồng. Những “con số biết nói” từ hoạt động du lịch Thủ đô là một tín hiệu đáng mừng khi cả nước đang trong giai đoạn nỗ lực phục hồi hoạt động du lịch nói riêng cũng như hoạt động kinh tế nói chung sau 2 năm “đóng băng” vì dịch Covid-19.
Lễ hội khinh khí cầu Hà Nội thu hút du khách trải nghiệm. Ảnh Khánh Huy |
Điểm đến của những trải nghiệm độc đáo
Hiện nay, Hà Nội định vị là điểm đến du lịch văn hóa, di sản với gần 6.000 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Phát huy sản phẩm du lịch truyền thống, Hà Nội cũng tập trung khai thác tour du lịch xanh như: Tham quan phố cổ bằng xe điện, tham quan Thăng Long Tứ Trấn, tour xe đạp trên phố và khám phá ngoại thành qua các hoạt động trekking, leo núi ở Ba Vì; dù lượn ở Chương Mỹ; vui chơi, xem biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Quốc Oai…
Trong đó, sản phẩm du lịch “Hanoi City Tour” là tuyến xe buýt 2 tầng đầu tiên của Hà Nội với lộ trình 25 tuyến phố và 15 điểm dừng chân là các điểm tham quan nổi bật đã trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách trong nước và quốc tế. Ngoài khám phá hình ảnh Hà Nội hiện đại, năng động, du khách sẽ có dịp tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến qua hệ thống thuyết minh bằng 10 ngôn ngữ (Việt Nam, Anh, Pháp…) trên nền tảng GPS.
Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, làng gốm Bát Tràng, Nhà tù Hỏa Lò, phố cổ Hà Nội đã xây dựng ứng dụng tham quan ảo và hệ thống thuyết minh tự động, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm. Việc số hóa các di sản tại Bảo tàng, di tích, khu du lịch góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch, tạo bước đột phá trong việc đổi mới công tác quản lý thông qua chuyển đổi số. Đến nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D (tương tác thực tại ảo) trong giới thiệu trưng bày bảo tàng.
Tiên phong trong việc sử dụng hệ thống vé điện tử, tích hợp vé điện tử trên hệ thống “Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh”, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Việc ra mắt hệ thống vé điện tử là một trong các hoạt động chuyển đổi số hoạt động du lịch nhằm tạo ra các sản phẩm mới hấp dẫn, giàu tính công nghệ và tiện ích, qua đó nâng cao trải nghiệm của khách du lịch. Cùng với việc ứng dụng phần mềm, số hóa trên nền tảng thông minh là “đòn bẩy” để du lịch Thủ đô cất cánh.
Toàn cảnh điểm du lịch di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng | |
Hà Nội thu ngân sách vượt dự toán, đẩy mạnh chuyển đổi số | |
Hà Nội: Đánh giá, cải thiện chỉ số chuyển đổi số |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại