Doanh nghiệp ngành gỗ đứng trước nguy cơ mất đơn hàng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHơn nửa doanh nghiệp có nguy cơ phá sản
Dịch bệnh kéo dài đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các DN ngành gỗ, đặc biệt tại khu vực phía Nam, nơi tập trung trên 70% tổng số DN ngành gỗ, với giá trị xuất khẩu chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của cả nước.
Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2021, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản được dự báo sẽ có mức tăng trưởng tương đương so với năm 2020, khoảng trên 15% do có nhiều thuận lợi như tác động của Hiệp định thương mại tự do như EVFFTA với EU, CPTPP, các hiệp định thương mại song phương…
Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ tháng 8 đã sụt giảm mạnh khi mất tới 34,5% so với tháng 7 - 2021 và giảm 22,8% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do từ giữa tháng 7 đến nay, trên 50% DN sản xuất đồ gỗ phải ngừng, đóng cửa hoặc giảm sản xuất. Với những DN còn hoạt động, chi phí để duy trì sản xuất tăng khoảng 20 - 30%, do phải chi thêm chi phí ăn, ở tại chỗ, test nhanh Covid -19, xét nghiệm PCR cho người lao động (tăng thêm bình quân khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng/1 lao động).
Xuất khẩu gỗ tăng trưởng mạnh trong 8 tháng, chủ yếu nhờ vào tăng trưởng của các tháng trước dịch bệnh |
Qua khảo sát nhanh của các hiệp hội địa phương vào giữa tháng 8 - 2021 đối với 360 DN tại Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Định cho thấy những DN còn hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 50-60% số lao động; công suất giảm từ 30-50% so với điều kiện bình thường.
Bình quân có trên 50% DN sản xuất đồ gỗ tại khu vực Đông Nam Bộ đã dừng sản xuất, những DN này đang đối diện nguy cơ phá sản, mặc dù các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3 - 1,5% cùng các gói tín dụng ưu đãi khác.
Hơn nữa, chi phí để duy trì sản xuất tăng khoảng 20-30%. DN rất khó cầm cự và cũng không đủ nguồn lực để trả các khoản vay đến hạn. Ngoài ra, DN còn phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, phí công đoàn chiếm khoảng 15% chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng thực sự là gánh nặng cho DN.
Cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Trước tình hình trên, đại diện các DN sản xuất, chế biến đồ gỗ và các hiệp hội ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ đề nghị các cơ quan chức năng sớm tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu.
Đồng thời để tiếp tục duy trì và phục hồi sản xuất, các DN và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng kiến nghị một số giải pháp cấp bách như ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân lao động tại các nhà máy, trong đó có sản xuất chế biến đồ gỗ.
Hỗ trợ và hướng dẫn y tế để các DN chủ động mua và tự triển khai xét nghiệm nhanh. Cùng với đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cơ quan chức năng khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm một số loại thuế, phí: thuế thu nhập doanh nghiệp, phí công đoàn, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội...
Tại cuộc họp trực tuyến với các hiệp hội, DN chế biến và xuất khẩu gỗ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Bộ sẽ đồng hành cùng DN tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch, đồng thời mong muốn các DN phát huy sự chủ động xây dựng kịch bản phát triển thích ứng với diễn biến dịch.
Theo đó, kịch bản hướng đến việc không chỉ giữ các thị trường xuất khẩu truyền thống mà còn đảm bảo các đơn hàng của đối tác từ nay đến cuối năm cũng như sang năm sau; vừa đảm bảo sản xuất, đảm bảo an toàn, vừa tận dụng những lợi thế, cơ hội mở rộng thị trường toàn cầu và có nhu cầu cao về đồ gỗ như hiện nay.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đề nghị các địa phương cho phép DN tự lựa chọn áp dụng phương thức “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến”… tùy theo tình hình thực tế. Các sở y tế nên nhanh chóng tổ chức hướng dẫn đào tạo, tập huấn cho DN những kiến thức cơ bản trong phòng chống dịch; cho phép người lao động của DN được di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 hoặc 1 mũi vaccine và thực hiện nghiêm túc 5K. Các tổ chức tín dụng giảm lãi suất đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4-4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay, đồng thời giãn nợ gốc và trả lãi từ 6-12 tháng để DN có đủ thời gian ổn định sản xuất. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại