Đi tìm mộ liệt sĩ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ở Quảng Ngãi tôi chưa quen ai. Nhờ dạy học mới chỉ được biết Quảng Ngãi là quê nhà thơ Thanh Thảo. Cứ đánh bạo đến nhờ người “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”, giới thi sĩ vốn rộng lòng. Trời xui đất khiến thế nào, tìm được tới nhà Thanh Thảo thì đã thấy nhà thơ trẻ Nguyễn Lương Ngọc, trên đường “lội bộ” xuyên Việt đang tá túc ở đấy.
Với Ngọc thì tôi đã là người quen. Hồi anh còn học trung học ở vùng đồi Vân Gia dưới chân núi Ba Vì, tôi có được lên lớp vài giờ. Thầy trò rủ nhau đi tìm mộ.
Từ ga Quảng Ngãi đến Hành Dũng 14 cây số. Hết 14 cây số đường đất là tới sông Vệ. Anh tôi nằm nhìn ra sông. Sau lưng là núi.
Đi từ nhà cả ngàn cây số đường xa, chỉ mang sẵn nhang thơm, không dám mang hoa tươi. Lại gặp may, một bé gái mục đồng đang thả trâu gần đấy. Tôi nhờ mua hoa, em không chịu nhận tiền, chỉ nhận lời rồi cột trâu, bỏ đi một hồi và ôm về một ôm phượng đỏ với điệp vàng.
Đặt hoa trước mộ bia, lẩn thẩn quá, vào đúng lúc quì gối chắp tay vái người anh cả thì tôi lại làm cái việc… chấm chính tả! Anh tôi vào trận từ Hàng Thùng, một phố của Hà Nội ba mươi sáu phố phường, bây giờ phố ấy được ghi thành Hàn Thùng trên mộ chí. Tôi nghẹn ngào mà chơi chữ rằng, anh ơi, Hà Nội mùa này nước sạch cũng còn khan hiếm lắm, thùng xách nước nhà mình thủng một lỗ (cái lỗ đạn ngực anh) nhỏ như khóc thầm, cũng chẳng nên để mãi như vậy, em xin được vào đây, quì gối chắp tay hàn.
Việc rò rỉ như thế, hàn gắn khó lắm, bao nhiêu người phải giúp. Một nhà thơ hướng đạo, một nhà thơ đồng hành. Lại còn hoa của bé gái mục đồng tôi chưa kịp biết tên, chỉ biết em đang học lớp sáu. Học lớp sáu mà sao đã chính trị hồn nhiên đến thế. Cũng là hoa sân trường cả thôi nhưng phượng đỏ với điệp vàng của em chẳng đã là màu cờ nước mình đó sao.
Trần Quốc Toàn
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại