Đề xuất thí điểm Trung tâm “một cửa” trợ giúp trẻ em bị xâm hại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo bà Nguyễn Thị Thu Hà, là địa bàn trung tâm chính trị, kinh tế xã hội lớn của đất nước, Hà Nội đang đối mặt với nhiều nguy cơ hơn, trong đó có vấn nạn xâm hại trẻ em với nhiều hình thức xâm hại mới, đối tượng đặc thù. Bởi vậy, Hà Nội cần cố gắng đưa ra nhiều hơn các vấn đề mới đặt ra cho từng lĩnh vực, cũng như thực hiện công tác chính sách về phòng chống xâm hại trẻ em. Một trong những vấn đề mới là xuất hiện các đối tượng đặc thù như người dân di cư, người khuyết tật... có nguy cơ bị xâm hại cao, vì thế cần sớm đưa ra những nhận định về vấn nạn này.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất việc xây dựng mô hình “TP thông minh gắn với sự thân thiện và an toàn cho trẻ em” tại Hà Nội. Với mô hình này, theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thì hoàn toàn có thể tích hợp các phần mềm cảnh báo khu vực không an toàn, các đường dây nóng, những đoạn đường chưa đủ ánh sáng để dự báo nguy cơ không an toàn... Hoặc các đối tượng có nguy cơ xâm hại cao thì có phân tích theo dõi, tích hợp trong xây dựng quản lý điều hành mô hình TP - đô thị thông minh.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu đề xuất về mô hình trợ giúp trẻ em bị xâm hại. (Ảnh: D.H) |
Trong bối cảnh người bị hại gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận các cơ quan pháp luật để trình báo, giám định khi bị xâm hại; ngay cả các CQĐT cũng thừa nhận những rào cản trong giám định, điều tra, xét hỏi, thiếu các điều tra viên thân thiện… bà Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất Hà Nội thí điểm xây dựng mô hình Trung tâm “một điểm dừng”, như một hình thức CCHC, là trung tâm “một cửa” trong việc giúp trẻ bị xâm hại sự hỗ trợ ban đầu về mặt pháp lý, quan tâm sức khỏe, các bước điều tra tố tụng… một cách thân thiện và kịp thời cho trẻ và gia đình trẻ bị hại.
Liên quan đến giải pháp phòng ngừa, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa- Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị Hà Nội bổ sung việc giám sát của các đoàn thể xã hội. Một trong những gợi ý là hình thành các điểm tư vấn cộng đồng. “Khi Luật Phòng chống bạo lực gia đình ra đời và có hiệu lực, Hội LHPN Việt Nam luôn tiên phong trong việc hình thành các địa chỉ tin cậy. Nhà tạm lánh ở Việt Nam có thể rất khó với phụ nữ bởi đã ra khỏi nhà rồi thì khó quay về, nhưng với trẻ em thì hoàn toàn khác. Các địa chỉ này hoàn toàn tin cậy với trẻ, tránh được các nguy cơ trẻ bị xâm hại, bạo lực, thậm chí được tư vấn hỗ trợ thông tin” – bà Hòa cho biết.
Một vấn đề nữa, theo bà Thanh Hòa là cần làm tốt hơn công tác phòng ngừa nạn xâm hại trẻ em, đặc biệt là với trẻ có cha mẹ đi làm ăn xa. Nên trang bị cho trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, thoát ra khỏi nguy cơ bị đe dọa xâm hại.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng đề nghị Hà Nội tập trung nhiều hơn công tác truyền thông, trong đó nhắm vào đối tượng học sinh, tăng cường các ấn phẩm, tờ rơi với nội dung phong phú, hấp dẫn.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại