Đề xuất sửa quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Đề xuất sửa quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia. Ảnh minh họa |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại kỳ họp thứ 8 ngày 29/11/2024, Quốc hội khóa XV thông qua các Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15 (gọi là Luật Đầu tư công năm 2024) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (gọi là Luật số 57/2024/QH15) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2025. Theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Đầu tư công năm 2024, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 (gọi là Luật Đầu tư công năm 2019) sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư cũng sẽ hết hiệu lực một phần từ ngày 1/1/2025. Do đó, cần khẩn trương xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2021/NĐ-CP nhằm tránh tạo khoảng trống pháp lý khi Luật Đầu tư công năm 2024 có hiệu lực, tạo điều kiện cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án quan trọng quốc gia và thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư.
Dự thảo Nghị định được thiết kế để quy định chi tiết: (i) Về hồ sơ, trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định đối với các dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; (ii) Về giám sát, đánh giá đầu tư.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Nghị định có sự sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa so với Nghị định số 29/2021/NĐ-CP về:
Bổ sung trách nhiệm của các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước bảo đảm thời gian thẩm định theo quy định.
Sửa đổi, bổ sung quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư dự án chi trả trực tiếp chi phí thẩm định cho thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành và chi phí khác nhằm đơn giản hóa thủ tục và làm rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư dự án.
Sửa đổi, chính xác tên gọi các tài liệu của hồ sơ trình chủ trương đầu tư dự án, hồ sơ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án của cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư dự án; hồ sơ trình Chính phủ của Hội đồng thẩm định nhà nước và hồ sơ trình Quốc hội của Chính phủ.
Bỏ quy định về đánh giá hiệu quả tài chính trong nội dung thẩm định đối với dự án không có doanh thu do không phù hợp. Bổ sung quy định về trường hợp quá thời hạn thẩm định dự án.
Dự thảo sửa đổi "Điều 14. Hồ sơ, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia" như sau:
1. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ gồm:
a) Tờ trình của cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư,
b) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được hoàn thiện theo ý kiến thẩm định nội bộ;
c) Báo cáo thẩm định nội bộ;
d) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
2. Cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư gửi 1 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi 20 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
4. Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập. Trường hợp thuê tư vấn thẩm tra thì thời gian thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước tính từ ngày ký hợp đồng thuê tư vấn thẩm tra. Trường hợp quá thời hạn thẩm định nêu trên, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình tổ chức thẩm định.

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại