Thứ sáu 08/11/2024 15:35
Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi):

Đề xuất nghiên cứu việc sau này bỏ thi THPT

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Góp ý xây dựng Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), một số ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học.

Sáng 21-5, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Trong đó, liên quan đến quy định về kỳ thi tốt nghiệp THPT, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên-Nhi đồng cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn GDPT của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai.

“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài”, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên-Nhi đồng Phan Thanh Bình nói.

Theo đó, để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp THPT, Dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, kỳ thi “2 trong 1” thời gian qua rất được dư luận quan tâm. Bên cạnh xảy ra một số tiêu cực thì tỷ lệ đậu rất cao, có địa phương đạt 99%.

“Thi thì có người trúng, người trượt nhưng cách tổ chức thi vừa qua cần xem có hợp lý hay chưa khi trúng gần hết học sinh”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

de xuat nghien cuu viec sau nay bo thi thpt
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). (Ảnh: Quochoi.vn)

Đồng tình vẫn quy định thi THPT nhưng theo đại biểu Hòa, dự thảo cần có điều khoản giao Chính phủ nghiên cứu để sau này, căn cứ tình hình thực tế mà có thể bỏ thi tốt nghiệp THPT. Chỉ cấp bằng THPT với những điều kiện cụ thể.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nhấn mạnh, việc tuyển sinh liên thông tại các trường ĐH hiện quá dễ dàng, chủ yếu để mong đủ số lượng làm cho chất lượng đầu ra chưa cao. Theo đại biểu, Bộ GD-ĐT cần quy định chặt chẽ hơn việc học liên thông trong các trường đại học và người học để chất lượng liên thông được tốt hơn.

Đại biểu đề xuất tổ chức thi tuyển sinh đại học như trước kia để tuyển học sinh có năng lực khá giỏi tham gia, còn học sinh học lực trung bình thì có thể học nghề, lao động theo sở thích, năng lực. “Từ đó chất lượng đầu vào đại học được nâng lên, tiết kiệm cho gia đình và xã hội”.

Làm rõ SGK có thể sử dụng lâu dài không

Cùng với kỳ thi tốt nghiệp THPT, vấn đề sách giáo khoa (SGK) cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc xã hội hóa biên soạn SGK là cần thiết, tuy nhiên Bộ GD-ĐT phải làm rõ SGK có thể sử dụng lâu dài không phải mỗi năm lại thay sách khác gây lãng phí.

Về việc thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia về SGK, đại biểu cho rằng nên có sự cân nhắc có thể giao cho Chính phủ thành lập để đa dạng thành phần hơn, vì dự luận thời gian qua rất quan tâm tới tính khách quan của việc thẩm định sách giáo khoa và xã hội hóa biên soạn SGK.

“Đối với sách tham khảo do giáo viên bộ môn lựa chọn nhưng cần quy định cụ thể, rõ ràng để phòng ngừa giáo viên lợi dụng sách tham khảo để học thêm, dạy thêm, nếu học sinh không học thì không biết làm bài kiểm tra trên lớp, gây bức xúc trong phụ huynh”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng đề xuất nên quy định cụ thể tiêu chí quy trình biên soạn, việc lựa chọn SGK. Theo đại biểu, quy định xuất bản SGK theo quy định của pháp luật, cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chưa rõ. Đây là hạn chế có thể dẫn đến loạn SGK, mỗi trường một kiểu, mạnh ai nấy làm, học một đường thi một nẻo. Bên cạnh đó, quy định UBND cấp tỉnh chủ động biên soạn tài liệu còn chung chung.

de xuat nghien cuu viec sau nay bo thi thpt
Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). (Ảnh: Quochoi.vn)

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu về các quy định liên quan đến SGK, Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ Phan Thanh Bình cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về chương trình, SGK giáo dục phổ thông; đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ SGK dùng chung cho cả nước.

UBTVQH cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, SGK giáo dục phổ thông trong Dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Theo đó, việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Với quan điểm này, trên nền tảng một chương trình GDPT thống nhất dùng chung trong cả nước do Bộ GDĐT ban hành; sách giáo khoa là tài liệu học tập, cụ thể hóa chương trình, giúp giáo viên và học sinh sáng tạo trong phương pháp dạy và học, nhằm tiếp thu tốt nhất kiến thức của chương trình GDPT.

Hiện nay Bộ GD-ĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ SGK theo chương trình này, sẽ hoàn thành sau năm 2022. Trên thực tế đó, UBTVQH đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số SGK như trong Dự thảo Luật.

Để đảm bảo chất lượng SGK và khách quan trong biên soạn, chọn lựa sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục, Dự thảo Luật quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm quy định quy trình biên soạn, thẩm định, phát hành và quy trình chọn lựa SGK bảo đảm có ít nhất một bộ SGK đủ chất lượng cho GDPT.

Đối với việc lựa chọn SGK, Dự thảo Luật quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong các cơ sở GDPT trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động