Để người lao động trong các khu công nghiệp được an cư lạc nghiệp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHạ tầng xã hội nhiều khu công nghiệp vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người lao động |
Cơ chế, chính sách còn vướng mắc
Tại tọa đàm “Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực hiện và giải pháp” do VCCI tổ chức vừa qua, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay cho thấy các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là những khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch vụ do tập trung đông lao động, nhất là các tỉnh phía Nam. Do đó, theo ông Hà Quang Hưng, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Hà Quang Hưng các cơ chế, chính sách để thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, các độ vênh giữa quy định pháp luật để thúc đẩy phát triển loại hình này. Cụ thể như về cơ chế chính sách ưu đãi đã chưa thực chất, chưa thiết thực để chủ đầu tư tham gia. Vì trong Luật Nhà ở và các quy định liên quan, các chính sách ưu đãi về đất đai không được tính vào giá thành đầu tư, như vậy, chính sách chỉ dành cho người dân, chưa thực chất đối với chủ đầu tư, chưa thúc đẩy các chủ đầu tư tham gia thực hiện các công trình này.
Ngoài ra, cũng chưa có cơ chế chính sách riêng về 10 nhóm đối tượng nhận ưu đãi, đó là nhóm công nhân khu công nghiệp. Cơ chế riêng cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân cũng chưa sát thực tế, rất ít chủ đầu tư được thụ hưởng bởi thường các DN sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp thì không có chức năng ngành nghề đầu tư xây dựng nhà ở nên rất ít DN được hưởng chính sách này.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường), thực tế theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đến năm 2030, diện tích đất khu công nghiệp sẽ có khoảng 205,79 nghìn ha, tăng 114,96 nghìn ha so với năm 2020. Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập, nhất là nhu cầu về nhà ở của người lao động rất lớn và bức xúc.
Cần xây dựng chính sách đủ mạnh
Để sử dụng hiệu quả quỹ đất khu công nghiệp, thu hút đầu tư, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, hiện nay phát triển các khu công nghiệp trở thành vùng động lực phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, bên cạnh định hướng thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn, song song với quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, một vấn đề lớn cần giải quyết là hạ tầng an sinh cho công nhân khu công nghiệp mà cụ thể là nhà ở cho người lao động.
Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 với gói tín dụng 65.000 tỷ đồng. Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất các giải pháp và cơ chế, để phát triển cho nhà ở công nhân như về quy hoạch, quỹ đất, đề xuất UBND cấp tỉnh phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, tuy nhiên phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng.
Đồng thời, Bộ cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, để xây dựng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất đưa gói tín dụng theo hình thức tái cấp vốn vào nội dung Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 và các cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện Chương trình, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.
Theo ông Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid -19, Chính phủ cần dành nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thuê tại các địa phương tập trung nhiều công nhân lao động, có sẵn quỹ đất. Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm việc với 22 địa phương để triển khai Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, việc triển khai Đề án trên còn gặp nhiều khó khăn do chưa thu hút được DN đầu tư theo Nghị định số100/2015/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 1-4-2021.
Do vậy, Tổng Liên đoàn đã có Tờ trình số 46/TTr-TLĐ trình Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị thí điểm cho Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại các thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất một số giải pháp về nhà ở cho công nhân. Cụ thể: Tổng Liên đoàn đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản; trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên, Tổng liên đoàn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đầu tư xây dựng 5-10 khu nhà ở cho công nhân thuê tạo ra 500.000m2 đến 1.000.000m2 sàn nhà ở đáp ứng cho khoảng 50.000 - 100.000 công nhân được thuê nhà ở tại các địa phương đã được bố trí đất, với một số chính sách đặc thù.
Tính đến thời điểm cuối tháng 9-2021 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 142.000 căn, với tổng diện tích khoảng 7.100.000 m2, đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020. Trong đó, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000m2. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại