Đề nghị xây dựng dự án Luật Phát triển công nghiệp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ Công Thương đang trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Phát triển công nghiệp.
Theo Tờ trình Dự luật, mục tiêu xây dựng Luật là nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị.
Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước xây dựng và triển khai có hiệu quả các định hướng, chương trình phát triển công nghiệp nhằm cụ thể hóa đường lối của Đảng về phát triển kinh tế; xây dựng mô hình quản lý nhà nước thống nhất và đủ mạnh về phát triển công nghiệp cũng như khắc phục các điểm yếu nội tại của công nghiệp Việt Nam.
Ảnh minh họa (ảnh: VGP) |
Khác với các đạo luật về các ngành công nghiệp hiện tại (như các ngành điện lực, dầu khí, khoáng sản, hóa chất), Luật Phát triển công nghiệp (điều chỉnh các hoạt động phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo) sẽ không tập trung vào các hoạt động quản lý hành chính nhà nước và điều kiện đầu tư kinh doanh.
Luật này sẽ tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, phát triển liên kết công nghiệp và kinh tế vùng – địa phương.
Đồng thời xây dựng mô hình và cơ chế quản lý công nghiệp phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Các nội dung của Luật sẽ bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là cơ sở để Chính phủ triển khai các chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp theo từng thời kỳ.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật phát triển công nghiệp quy định về các chính sách, hoạt động phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam.
Riêng các ngành khai khoáng; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Định hướng tái cơ cấu lớn của công nghiệp Việt Nam theo chủ trương của Đảng và Chính phủ luôn là giảm tỷ trọng ngành khai khoáng và các ngành khác, gia tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong công nghiệp và nền kinh tế.
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng năm 2021 cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%.
Mặc dù vậy, theo Bộ Công Thương, cho đến nay, trong khi hầu hết các phân ngành công nghiệp còn lại đã có Luật riêng để điều chỉnh, thì các hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo lại chưa có luật riêng, dẫn đến thiếu một khuôn khổ, hành lang pháp lý cho việc quản lý và triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, định hướng phát triển ngành một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương, và giữa các bộ, ngành liên quan.
Vì vậy, việc cần thiết hiện nay không phải là xây dựng một đạo luật về việc quản lý và phát triển chung cho tất cả các ngành công nghiệp (đặc biệt là trong bối cảnh khi các phân ngành công nghiệp còn lại đã có luật riêng điều chỉnh), mà cần xây dựng một đạo luật riêng với các cơ chế đặc thù cho việc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại