Thứ năm 25/04/2024 08:59

Dễ dàng mua bán dữ liệu khách hàng công khai trên mạng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Câu chuyện những cuộc gọi mạo danh nhân viên của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam mới đây một lần nữa lại làm dấy lên nỗi lo ngại về việc lộ thông tin dữ liệu cá nhân. Trong khi đó, việc để có được một data khách hàng bao gồm số điện thoại, tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp… lại hết sức dễ dàng thông qua hình thức mua bán hiện công khai trên các mạng xã hội hoặc thông qua các trang web mua bán riêng biệt.

Vốn muốn chuyển sang ở nhà chung cư, thoát khỏi cảnh "ngõ nhỏ, phố nhỏ", chị N.T.L (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) chỉ mới tìm hiểu về giá nhà, phân khúc cũng như bối cảnh ở các khu vực có nhiều khu chung cư khác nhau ở Hà Nội. Ấy thế nhưng chỉ sau 1 ngày, từ facebook của chị cho đến số điện thoại ngày 5, 7 lượt nhận được những cuộc gọi, tin nhắn về những dự án khác nhau trong thành phố.

“Lạ một cái mình còn chưa định hình việc sẽ mua ở đâu hoặc với giá nhà như thế nào, thế nhưng các tin nhắn và các cuộc điện thoại đã như… đi guốc trong bụng mình. Ngẫm lại mình cũng chưa hề cho ai số điện thoại hoặc có động thái gì liên quan đến số cá nhân, thế mà những người kia lại biết rõ thế” - chị L. cho biết.

Không “ly kỳ” như của chị L., chị P.N.B (Minh Khai, Hai Bà Trưng) trước đó có mua 1 căn hộ tại Bắc Từ Liêm. Nhận được nhà không lâu, chị liên tục nhận được những cuộc điện thoại mời làm nội thất, hỏi mua nhà. “Thậm chí nhà còn chưa có bình lọc nước đã có người gọi đến hỏi bình lọc nước nhà chị sử dụng thế nào, rồi đề nghị để công ty cử người đến kiểm tra, bảo dưỡng. Lạ một điều là họ nắm rõ hết tòa nhà, số căn hộ cũng như dự án mình ở" – chị B. than phiền.

Hoặc bức bối hơn, câu chuyện đang giữa giờ nghỉ trưa, chị N.N.D (Tây Sơn, Đống Đa) nhận được cuộc gọi… “chỉ” đích danh với lời mời chị đến trải nghiệm sản phẩm làm đẹp da cũng được chị chia sẻ. Nhưng sau những hậm hực, là những lo ngại. Rõ ràng chị chưa hề tham gia hoặc đến những spa hay thẩm mỹ viện nào tương tự, vậy việc có thông tin của chị là do đâu?

Dễ dàng mua bán dữ liệu khách hàng công khai trên mạng
Một trong những trang web mua bán công khai dữ liệu khách hàng

Câu chuyện hàng ngày, hàng giờ và từ rất lâu rồi những cuộc điện thoại của nếu không thuộc ngân hàng thì cũng là của nhân viên tư vấn, chăm sóc sắc đẹp, nhân viên các hãng bảo hiểm nhân thọ, nhân viên buôn bán bất động sản… gọi đến đã trở nên quen thuộc. Theo như chị B. “tổng kết”: “Nếu để ý và suy nghĩ kỹ, sẽ thấy có một quy luật. Ngoài những cuộc gọi không hề liên quan đến các vấn đề mình quan tâm, thì sẽ theo một logic sau: nếu vừa mua nhà, sau đó sẽ là một loạt các số gọi đến mời làm nội thất, mua tivi, tủ lạnh… nếu mới mua mỹ phẩm, sau đó sẽ là một loạt những dịch vụ của các cơ sở như spa, thẩm mỹ viện… gọi đến mời trải nghiệm, làm đẹp... Hoặc như mới sinh xong, sẽ có hàng loạt các dịch vụ chăm sóc sau sinh, tắm bé, thông tắc tia sữa… “nã” vào số điện thoại”.

Thế nhưng, chuyện lộ thông tin để hàng ngày nhận được những cuộc điện thoại chào mời chỉ khiến người ta khó chịu, thì câu chuyện lợi dụng việc lộ thông tin để mạo danh lừa đảo lại khiến mọi người thực sự bức xúc và hoảng sợ. Không ít người đã bị các đối tượng này lừa đảo đến vài trăm triệu đồng.

Theo luật sư Hoàng Văn Doãn, Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng thì, việc thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật; cần thiết truy tố, xét xử điểm để răn đe. Tuy nhiên, tại một số trang web, người ta còn công khai rao bán thông tin cá nhân. Đơn cử như trang web datakhachhang24h.com, khi liên hệ với số điện thoại hiện trên web, phóng viên được báo giá từ 600 – 1000 đồng trên một số điện thoại, bao gồm tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp với độ chính xác là 99%.

Cũng theo người này, mỗi ngày đơn vị của họ bán ra đến hàng vài trăm nghìn số điện thoại cùng dữ liệu. “Với mỗi ngành nghề mà khách hàng yêu cầu, bên mình sẽ tập hợp khách hàng của các đơn vị liên quan. Ví dụ như ngành chăm sóc sắc đẹp, thì data khách hàng sẽ là những khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ GYM, các gói làm đẹp, khách hàng của các hãng mỹ phẩm lớn hoặc khách hàng chuyên dùng sản phẩm chức năng…”.

Và với 600 – 1000 đồng/khách hàng, bên mua sẽ được độc quyền trong vòng 2, 3 tháng. “Cái này bên mình sẽ cam kết thông qua tin nhắn messeger của nhân viên tư vấn với khách hàng.” – người này cho biết. Để hấp dẫn hơn, người này cho phóng viên 1 mức chiết khấu: “Cứ trên 10.000 khách hàng, bọn mình sẽ sale off 10% cho các bạn và bên mình không sử dụng hóa đơn VAT”- người này nói.

Như vậy cho thấy, việc lộ, lọt, đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến, ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật. Nguyên nhân dẫn đến câu chuyện này, theo các chuyên gia an ninh mạng, đầu tiên do nguồn thông tin hiện nay chưa được đảm bảo an toàn, dẫn đến các tổ chức, cá nhân có thể tổng hợp được rất nhiều nguồn thông tin khác nhau một cách dễ dàng, qua đó người ta có thể sở hữu được một nguồn thông tin lớn.

Sau đó, với lượng thông tin lớn này, người ta bán đi, bán lại với giá rất rẻ mà không bị ảnh ảnh hưởng gì và không ai xử lý. Mặc dù, quy định của luật pháp về bảo đảm thông tin cá nhân trước đây cũng có, nhưng cũng chưa có vụ việc nào điển hình được xử lý, nên dẫn đến tình trạng thông tin có nhiều, người mua có, cách thức giao dịch đơn giản, dễ dàng…

Về vấn đề này, theo luật sư Hoàng Văn Doãn, việc thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật; cần thiết truy tố, xét xử điểm để răn đe. Ngoài việc cơ quan chức năng nên tăng cường công tác điều tra, xử lý mạnh với đối tượng có hành vi vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung, thì các cá nhân cũng tự ý thức trong việc quản lý thông tin của chính mình.

Để ngăn chặn việc này, đầu năm 2021, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Nghị định về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, Điều 22 dự thảo này quy định, phạt tiền từ 50 - 80 trệu đồng với một trong các vi phạm về quyền của chủ thể dữ liệu liên quan đến:

- Tiết lộ dữ liệu cá nhân; hạn chế quyền tiếp cận dữ liệu cá nhân; sự đồng ý của chủ thể dữ liệu đối với dữ liệu cá nhân;

- Xử lý dữ liệu cá nhân; xử lý dữ liệu cá nhân sau khi chủ thể dữ liệu chết; xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu; xử lý dữ liệu cá nhân phục vụ công tác nghiên cứu khoa học hoặc thống kê; xử lý dữ liệu cá nhân tự động; xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em;

- Thông báo cho chủ thể dữ liệu về việc xử lý dữ liệu cá nhân; độ chính xác của dữ liệu cá nhân;

- Lưu trữ, xóa, hủy dữ liệu cá nhân.

Đồng thời, nếu vi phạm lần 02 với những hành vi nêu trên thì sẽ bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng. Trong đó, dữ liệu cá nhân gồm thông tin dữ liệu cơ bản và nhạy cảm.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động