Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTại nhiều khu vực, đặc biệt là ngoại thành Hà Nội, việc bỏ chung các loại rác đã trở thành thói quen của đại bộ phận cư dân. |
Phân loại rác tại nguồn có thể hiểu là giải pháp nhằm tách rác có giá trị tái chế, rác dễ phân hủy ngay tại nguồn, từ mỗi hộ gia đình. Hoạt động này góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp.
Nhiều lợi ích, nhưng hiện tại các chương trình phân loại rác tại nguồn phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt. Các giải pháp hiện nay mới chỉ mang tính phong trào, chưa đủ mạnh để thay đổi tình thế. Để phân loại rác thải tại nguồn được thực hiện đồng bộ, Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP) có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 được ban hành.
Theo đó, trong lộ trình thực hiện, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Quy định mới này nhằm thúc đẩy quá trình phân loại rác tại nguồn, với những điều khoản liên quan đến thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường, tận dụng tài nguyên có thể tái chế. Dư luận cho rằng, đây là hành lang pháp lý cần thiết để thời gian tới người dân hình thành thói quen phân loại rác thải.
Dù Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đã có song đến nay vẫn chưa có thông báo về việc phân loại rác tại nhà. Phần lớn các hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội vẫn đang để hỗn hợp các loại rác vào một túi nilon rồi đổ đúng nơi quy định. Ngoài ra, ở các điểm tập kết, các xe thu gom rác vẫn đang triển khai theo phương thức truyền thống, gần như không có sự phân loại. Nghĩa là, hiện phần lớn là rác vẫn được tập kết hỗn hợp và được chuyển đến điểm xử lý.
Theo tìm hiểu của PV, trước năm 2020, một số địa phương của Hà Nội đã thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, kết quả mang lại không được như mong muốn bởi thiếu sự đồng bộ giữa người dân và đơn vị thu gom.
Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng chia sẻ, nếu việc phân loại rác được triển khai tốt thì thì việc tái chế sẽ thuận lợi. Một bộ phận rác thải hữu ích sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác. Với quy định mới, xả rác nhiều thì phải trả tiền nhiều, điều này thể hiện sự công bằng xã hội. Điều này quan trọng ở chỗ, mọi người sẽ có ý thức hơn, cá nhân mỗi người sẽ có ý thức trong việc hạn chế xả rác. Hơn hết, nếu hoạt động này đi vào khuôn khổ thì sẽ hình thành nên kỷ cương ngay từ cấp cơ sở.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chuyên gia môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ngoài trách nhiệm của người dân trong phân loại rác thì trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý rác cũng cần quan tâm.
Theo đó, đơn vị thu gom phải đồng bộ về con người, kỹ thuật, năng lực quản lý, xử lý. Đơn vị thu gom sẽ vừa phải cân đối chi phí lãi lỗ, vừa phải thực hiện theo đúng quy định. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần cụ thể hóa việc phân loại rác tại nguồn, làm sao để hình thành thói quen đổ rác và thấy lợi ích khi phân loại như giảm được tiền xử lý. Bên cạnh đó, phải kết hợp với tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân. Tổ chức tập huấn để người dân nhận thấy vấn đề đó không phức tạp.
Nhìn từ Nghị định 45/2022/NĐ-CP có thể thấy, hiện các quy định, chế tài xử phạt liên quan đến lĩnh vực xử lý rác thải đã có. Tuy nhiên, để việc phân loại rác mang lại kết quả như mong đợi, đòi hỏi nhiều yếu tố, cần sự bền vững. Do đó, về cơ bản vẫn cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại