Chủ nhật 24/11/2024 23:21

Đẩy mạnh phát triển logistics vận tải đường thủy nội địa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Giao thông Vận tải xác định vận tải thủy là một trong những lĩnh vực trọng điểm của quốc gia. Vận tải thủy không chỉ đóng vai trò trung chuyển hàng hóa giữa các cảng thủy mà còn kết nối với các cảng biển, cảng nội địa ICD.
Đẩy mạnh phát triển logistics vận tải đường thủy nội địa

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị.

Quy hoạch là vấn đề lớn nhất

Ngày 14-10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển logistics vận tải thủy và vận tải ven biển.

Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, Việt Nam có 2.360 sông, kênh có tổng chiều dài khoảng 42.000 km với 9 hệ thống sông lớn đổ ra biển thông qua 120 cửa sông, tổng chiều dài đường thủy cả nước đang được quản lý khai thác hơn là 17.000 km.

Từ năm 2015 đến nay, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển Giao thông Vận tải đường thủy nội địa, giúp cho vận tải thủy ngày càng có vai trò quan trọng đối với ngành Giao thông Vận tải. Hiện đã hình thành 9 hành lang vận tải đường thủy kết nối với nhau và kết nối trực tiếp đến các cảng biển và tuyến vận tải ven biển bằng phương tiện VR-SB.

“Trong thời gian dịch bệnh vừa qua, khi vận tải đường bộ gặp nhiều khó khăn vì giãn cách xã hội, việc tất cả các luồng vận tải thủy đều là luồng xanh đã góp phần giải quyết đáng kể cho khâu vận chuyển, tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản, lúa gạo tại nhiều tỉnh thành phía Nam, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Thu cho biết.

Vận tải đường thủy có ưu điểm về giá cước vận chuyển thấp, có độ an toàn cao và ít ảnh hưởng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sự thiếu đồng bộ của hạ tầng đang là nút thắt lớn khiến lĩnh vực vận tải này đang đối mặt với nhiều khó khăn. Có khoảng 70% hàng hóa tại cảng biển là hàng container. Tại khu vực Hải Phòng, hiện cứ 100 container thông qua, chỉ có chưa tới 2 container được vận chuyển bằng đường thủy nội địa. Khu vực cảng biển TP Hồ Chí Minh khá hơn, nhưng cũng mới đạt khoảng 10%.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, vấn đề lớn nhất hiện nay của đường thủy nội địa là quy hoạch, không có quy hoạch sẽ không có điều kiện để triển khai. Quy hoạch đường thủy hiện đã được hội đồng thẩm định quốc gia thống nhất, đã báo cáo Thường trực Chính phủ, đang tiếp thu ý kiến, hy vọng trong thời gian ngắn nhất Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt.

Đặc biệt, cần có sự kết hợp đồng bộ giữa hàng hải và đường thủy nội địa để góp phần giảm tải cho đường bộ. Bài học kinh nghiệm ở cảng Tân Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) là dành vị trí thuận lợi cho đường thủy nội địa nằm trong cảng biển. Cảng biển phải xem xét bổ sung vị trí cho cảng thủy nội địa, có như vậy mới tập kết hàng container từ các địa phương về cảng biển.

Đường thủy đang gặp nhiều hạn chế

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đường thủy đang gặp nhiều tồn tại hạn chế, bất cập gây cản trở vận tải các tuyến vận tải thủy như: Hạ tầng không đồng bộ, nhiều cây cầu như cầu Đuống, cầu Bình Triệu cũ, cầu Đồng Nai… có tĩnh không thấp khiến các phương tiện chở 3 lớp container không thể đi qua... “Bộ Giao thông Vận tải đã đưa vào chương trình trung hạn giao đoạn 2021 - 2025, trong đó chúng tôi cho rằng trước mắt là tháo gỡ một số dự án, xử lý về vấn đề tĩnh không một số cầu, đây là vấn đề cần được tập trung tháo gỡ” ông Thu nói.

Bên cạnh đó, DN vận tải thủy hầu hết là tư nhân, phát triển tự phát, năng lực tài chính thấp và phương tiện cũ; chưa có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy vận tải hàng container bằng đường thủy nội địa. Hơn nữa, phương tiện thủy chủ yếu vẫn là phương tiện loại nhỏ, hoạt động trên tuyến ngắn, năng suất thấp. Việc kết nối giữa vận tải đường thủy với các phương thức vận tải khác chưa thuận lợi.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, hiện nay nhiều cảng biển hiện không có cầu bến cho phương tiện thủy nội địa làm hàng, thiếu các cảng cạn ICD hoặc rất ít cảng có kết nối với đường thủy cũng là bất cập lớn hiện nay. Do vậy, các địa phương cần chú trọng hơn về vấn đề quy hoạch cảng đường thủy, cảng cạn ICD, đảm bảo kết nối được ít nhất 2 phương thức vận tải trở lên, trong đó chủ yếu là đường bộ và đường thủy nội địa.

Ngoài ra, một số khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh vận tải thủy là kết cấu hạ tầng luồng tuyến, cảng, bến thủy còn nhiều hạn chế, thiếu chính sách ưu đãi đầu tư phát triển cũng được các hiệp hội nêu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, thời gian qua, việc đầu tư xây dựng các cảng đường thủy dọc sông Hồng hầu như không được triển khai do vướng Luật Đê điều và quy hoạch của các địa phương. Tuy nhiên, hiện con sông này đã có nhiều hồ thủy điện đầu nguồn nên lượng nước đã được điều tiết tốt hơn trong những năm gần đây. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất và sớm triển khai các dự án cảng thủy nội địa tại sông Hồng để góp phần phát triển mạng lưới logistics khu vực phía Bắc.

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động