Dấu hiệu nhận biết sụp mi bẩm sinh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHậu quả của sụp mi bẩm sinh
Sụp mi không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn có thể gây ra những hậu quả sau đây:
- Nhược thị nếu mi sụp che diện đồng tử và theo thống kê có khoảng 19% có thị lực kém
- Tật khúc xạ do áp lực của mi mắt lên nhãn cầu, 63,1% số mắt nhược thị do sụp mi có kèm theo tật khúc xạ
- Hạn chế thị trường
- Cong lệch cột sống do cố ngửa cổ để nhìn
- Ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây tâm lý mặc cảm, hạn chế giao tiếp của trẻ.
Bên cạnh đó, sụp mi mắt bẩm sinh rất có thể là dấu hiệu của bệnh liệt dây thần kinh não số III, nhược cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt, thậm chí là tính mạng.
Dấu hiệu nhận biết sụp mi bẩm sinh
Sụp mi mắt bẩm sinh là bệnh lý xuất hiện ngay khi trẻ vừa được sinh ra. Dấu hiệu nhận biết sụp mi bẩm sinh lâm sàng nổi bật nhất của căn bệnh này là mi mắt bị sụp xuống ở những mức độ nặng nhẹ khác nhau. Theo đó, mắt bị sụp mi sẽ nhỏ hơn vì da mi mắt bị sa xuống.
Khi quan sát sẽ thấy mắt không có nếp mí rõ ràng và mi trên ít cử động khi nhìn xuống dưới. Trong những trường hợp nặng, trẻ có thể phải ngửa cổ ra sau hoặc nhăn trán để nhìn.
Thông thường, sụp mi mắt bẩm sinh chỉ là căn bệnh đơn thuần. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần phải phân biệt với những trường hợp sụp mi là triệu chứng đi kèm của các căn bệnh toàn thân khác như loạn thị, nhược thị.
Khi mi trên che quá 1/5 trên của đường kính giác mạc (lòng đen) ở kinh tuyến 6-12 giờ (theo chiều trên dưới của lòng đen), cần phải đưa bệnh nhân đi khám chuyên khoa mắt.
Có nhiều nguyên nhân sụp mi bẩm sinh, và tùy từng nguyên nhân sẽ có các biểu hiện sụp mi khác nhau.
- Nếu sụp mi bẩm sinh do cơ: Thường gặp nhất, do loạn phát cơ nâng mi bẩm sinh, số lượng các sợi cơ nâng mi giảm đi và bị thay thế bằng các tổ chức xơ, mỡ. Do vậy, chức năng cơ nâng mi yếu, hạn chế cả co và dãn. Khi đó có biểu hiện biên độ vận động mi giảm, có thể mất nếp mi, có nếp nhăn trán, nhiều mỡ mi trên,...
- Nếu sụp mi bẩm sinh do cân cơ: Thường do chấn thương sản khoa, khi đó sụp mi có biểu hiện: Biên độ vận động mi không giảm đáng kể, nếp mi trên bị nâng cao hoặc không rõ.
- Nếu sụp mi bẩm sinh do cơ học: Do bị chèn ép bởi khối u ở phần trên hốc mắt hoặc vùng lân cận (như u dạng bì, u mạch máu, u xơ thần kinh), do dị dạng sọ mặt,..Với các biểu hiện mi mắt bị sụp xuống. Sụp mi với biên độ vận động mi giảm, kèm theo các triệu chứng của bệnh lý gây sụp mi.
- Nếu sụp mi bẩm sinh do thần kinh: Do quá trình phát triển, phân bố thần kinh bất thường trong giai đoạn phôi thai. Có nhiều thể bệnh như: Liệt dây thần kinh sọ số III bẩm sinh (một phần hoặc hoàn toàn); hội chứng hạn chế nâng một mắt hay liệt nâng kép, sụp mi với đồng động kì dị như hiện tượng Marcus – Gunn (khi trẻ bú, nhai thì mi mắt mở được và chớp theo vận động của hàm, thường kèm theo nhược thị, tật khúc xạ, lác); Hội chứng Horner bẩm sinh (hiếm gặp, có tính gia đình, bao gồm sụp mi nhẹ do liệt cơ Muller, co đồng tử, giảm sắc tố mống mắt, thụt nhãn cầu, giảm tiết mồ hôi nửa mặt cùng bên); bệnh nhược cơ bẩm sinh,..
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sụp mi có thể dẫn tới nhược thị do tầm nhìn bị che lấp, mắt có thể bị lác... hậu quả là làm giảm thị lực, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt... của trẻ.
Biến chứng sụp mi bẩm sinh có thể gặp
Nhiều người sẽ băn khoăn rằng, phẫu thuật điều trị sụp mi có thể gặp biến chứng không? Trên thực tế việc điều trị có thể gặp một số biến chứng trong các phẫu thuật điều trị, cụ thể: Điều chỉnh quá mức hoặc chưa đủ, không cân xứng 2 bên, hở mi dẫn đến viêm loét giác mạc, lật mi hoặc quặm mi, bờ mi gập góc (cong không bình thường), nếp mi không đẹp,...Tuy nhiên các biến chứng này đều được xử lý đơn giản dựa trên theo dõi sát của bác sĩ phụ trách.
Việc chăm sóc sau mổ sụp mi vô cùng quan trọng để phòng biến chứng. Bệnh nhân cần được thay băng, theo dõi và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Tập nhắm mắt và tra thuốc mỡ kháng sinh, nước mắt nhân tạo dạng gel và nước thường xuyên để tránh khô kết giác mạc, nhất là khi ngủ.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh cần dùng thuốc đúng theo kê đơn của bác sĩ, cần nhớ lịch hẹn tái khám sau khi phẫu thuật.
Tóm lại: Sụp mi mắt một bên có thể làm cho mắt bị nhược thị, còn nếu là cả 2 bên thì có thể làm cho người mắc phải bị hếch cằm, ảnh hưởng tư thế nhìn, cột sống và hoạt động hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, với trẻ nhỏ, khi phát hiện dấu hiệu bất thường về mắt cần cho trẻ tới cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được thăm khám và tư vấn.
Để xác định chính xác trường hợp mắt có bị sụp mi hay không phải được các bác sĩ có kinh nghiệm thăm khám, tư vấn. Bởi một số trường hợp "giả sụp mi": do mắt nhỏ, thừa da mi quá mức, mắt bị thụt vào do chấn thương, không có nhãn cầu hoặc teo nhãn cầu bệnh lý…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại