Đại diện pháp lý cho BV TM Kim Cương: Không có sai sót đối với việc phẫu thuật nâng mũi, nâng ngực
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo luật sư Phạm Thanh Sơn, ngày 5-5-2017, bệnh nhân L đã đến Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Kim Cương A&B (BV TM Kim Cương) để tư vấn thực hiện phẫu thuật nâng mũi và nâng ngực với chi phí 286 triệu đồng.
Đối với nâng ngực, BV đã cho biết thực hiện 2 phương pháp gồm: Đưa túi độn trực tiếp vào ngực qua đường rạch ở nách và phẫu thuật đầu nhũ hoa. Sau khi được nhân viên tư vấn, bà L đã yêu cầu Bệnh viện sử dụng phương pháp với đường mổ từ đầu nhũ hoa. Phương pháp này thực hiện bằng cách bóc tách mô và mao mạch trực tiếp dưới quầng ngực.
Sau khi được được BV thăm khám, tư vấn và làm các xét nghiệm, bà L được các bác sĩ của BV tiến hành phẫu thuật đặt túi gel nâng ngực 2 bên. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị nội trú 2 ngày và đến Bệnh viện thăm khám đầy đủ vào các ngày từ ngày 16 đến 21-5. Trong hồ sơ bệnh án và camera ghi lại quá trình hậu phẫu ngực tốt, không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Đến ngày 22-5, một tài khoản facebook Quyen Ph… đã đăng tải thông tin và hình ảnh liên quan đến ca phẫu thuật của bà Linh. Tài khoản này cho rằng, bà đã bị biến chứng sau phẫu thuật nhưng BV chối bỏ trách nhiệm.
Ông Sơn cho biết, về các thông tin trên, BV Thẩm mỹ Kim Cương đã giải thích với bà L rằng, hiện tượng tụ máu vết mổ do tổn thương mao mạch trong quá trình phẫu thuật là bình thường, nhất là trong các ca nâng ngực. Bản thân việc chảy dịch cũng là phản ứng tự nhiên của cơ thể trong trong quá trình giải phóng dịch máu cũ ra ngoài.
Phương pháp phẫu thuật với đường mổ từ đầu nhũ hoa thường làm tổn thương mao mạch nhiều hơn so với thao tác đưa túi độn trực tiếp vào dưới cơ qua đường rạch ở nách. Vì vậy, có thể xuất hiện các vết bầm tím. Vết bầm này sẽ mất đi sau từ 20 ngày đến 1 tháng (bệnh viện đã giải thích kỹ lúc tư vấn cho bà L được bà L hiểu và kí xác nhận).
Đối với dịch từ vết mổ dựa vào kết quả khám cận lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định việc hút dịch có cần thiết hay không. Nếu như lượng máu tụ nằm trong ngưỡng cho phép, cơ thể có thể tự hấp thụ mà không cần can thiệp hút dịch thì bác sĩ sẽ không chỉ định bất cứ can thiệp ngoại khoa nào.
|
Ngày 23-5, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra và kết luận: “BV hoạt động có đầy đủ giấy tờ pháp lý. Đối với trường hợp khách hàng Ngô Ngọc L thực hiện dịch vụ nâng mũi và nâng ngực thẩm mỹ tại BV, đoàn thanh tra đề nghị BV tiếp tục theo dõi, chăm sóc, điều trị cho bà L theo đúng chuyên môn; tiếp nhận và giải quyết những thắc mắc của bà L về chuyên môn và các vấn đề liên quan; trong trường hợp bà L có những biến chứng liên quan đến phẫu thuật, đề nghị BV viện tổ chức hội chẩn, chuyển tuyến nếu cần thiết”.
Ngày 4-4-2018, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 352/KCB-NV gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bộ Y tế đã thành lập hội đồng chuyên môn xem xét quá trình chẩn đoán, điều trị của Bệnh viện đối với bệnh nhân Ngô Ngọc L.
“Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn, có 16 nội dung, thì 13 nội dung khẳng định Bệnh viện đã làm đúng; 1 nội dung không thuộc trách nhiệm của Hội đồng chuyên môn; 1 nội dung cho biết bà L không đến BV để Hội đồng thăm khám và 1 nội dung cho biết nếu bà L có nguyện vọng hội chẩn bởi các nhà chuyên môn về thẩm mỹ ngực thì Bộ sẽ giới thiệu. Với kết luận của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế, có thể khẳng định, BV không có sai sót đối với việc phẫu thuật nâng mũi, nâng ngực cho bệnh nhân Ngô Ngọc L”, Luật sư Sơn khẳng định.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại