Cứu sống 3 trẻ uống nhầm thuốc chống trầm cảm, nguy kịch tính mạng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột bệnh nhi nguy kịch phải thở máy. Ảnh: BVCC |
Theo đó, ngày 8/1, 3 trẻ gồm N.G.B (5 tuổi), N.H.A (8 tuổi) và N.T.H.P (13 tuổi), trú tại xã Hương Sơn, Hà Tĩnh đã uống nhầm thuốc amitriptyline điều trị bệnh trầm cảm của người lớn trong nhà. Ngay sau đó, cả 3 trẻ đều rơi vào tình trạng hôn mê, co giật và được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Khi nhập viện, 2 chị gái là bé N.H.A và N.T.H.P trong tình trạng suy hô hấp, co giật, hôn mê; đồng tử 2 bên giãn 4 mm, phản xạ ánh sáng kém. Bé trai út N.G.B thì nguy kịch hơn, khi vào viện trẻ đã ngừng hô hấp, tuần hoàn. Sau khi cấp cứu ngừng tuần hoàn, trẻ có tim trở lại.
Cả 3 bệnh nhi được đặt ống nội khí quản, rửa dạ dày, dùng than hoạt tính ngay tại khoa Cấp cứu và chuyển khoa Hồi sức Tích cực Chống độc điều trị tiếp.
Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã hội chẩn liên khoa và liên viện với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương và Trung tâm chống độc Bạch Mai thống nhất phác đồ điều trị. Với tình trạng quá nặng, các bác sĩ quyết định không thể chuyển tuyến cả 3 bé do nguy cơ tử vong trên đường đi là rất cao.
Cả 3 trẻ được điều trị tích cực: thở máy, kiềm hóa máu và nước tiểu với dung dịch bicarbonate, truyền lipid, duy trì vận mạch, kiểm soát huyết động. Cả 3 bệnh nhân đều xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp tim. Đặc biệt, cháu trai N.G.B xuất hiện rối loạn nhịp rung thất, phải tiến hành sốc điện chuyển nhịp nhiều lần và duy trì thuốc chống loạn nhịp.
Sau 4 ngày điều trị, tình trạng 2 chị gái là bé N.H.A và bé N.T.H.P cải thiện. 2 trẻ được cai máy thở, không còn rối loạn ý thức, tỉnh táo và được ra viện vào ngày 16/1.
Bé N.G.B được rút ống nội khí quản, cai máy thở sau 9 ngày điều trị. Hiện tại trẻ tỉnh táo, vận động tốt, không còn rối loạn nhịp và vừa được ra viện vào ngày 25/1 vừa qua.
Theo các bác sĩ khoa Hồi sức Chống độc, Amitriptyline là một loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, thuốc có liều độc nguy hiểm khi hàm lượng vượt quá 10mg/kg do tác dụng độc trên tim mạch và hệ thần kinh trung ương gây ra các biến chứng nặng nề. Hầu hết, ngộ độc thuốc chống trầm cảm ba vòng là ngộ độc cấp tính, trên lâm sàng là rất khó tiên lượng, có thể chuyển biến nguy kịch rất nhanh chỉ trong vài giờ sau khi được đưa đến cấp cứu và có thể gây tử vong do loạn nhịp tim, hạ huyết áp hoặc không kiểm soát được các cơn co giật.
Vụ việc 3 trẻ uống nhầm thuốc chống trầm cảm là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh. Cần hết sức cẩn thận trong việc bảo quản thuốc, không để trẻ em tiếp cận với các loại thuốc có thể gây ngộ độc. Nếu không may trẻ uống nhầm thuốc, cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức.
Cảnh báo ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin ở trẻ nhỏ | |
Ngộ độc nặng sau khi uống cùng lúc 60 viên paracetamol |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại