Thứ bảy 23/11/2024 10:01

Cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhận trách nhiệm người đứng đầu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận trách nhiệm người đứng đầu, sẵn sàng bán nhà để bồi thường nếu bị buộc phải khắc phục hậu quả; mong được tòa khoan hồng để sớm về chăm sóc mẹ già, bố đẻ đang nguy kịch.
Cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhận trách nhiệm người đứng đầu
Cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhận trách nhiệm người đứng đầu. Ảnh: Nhật Nam

Cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội xin HĐXX xem xét cho các bị cáo ở mức án thấp nhất

Chiều 26/8, trước toà, cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nói lời sau cùng trước khi HĐXX TAND Hà Nội nghị án. Cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội mong muốn và tha thiết đề nghị HĐXX ghi nhận các nội dung của các bị cáo công ty cây xanh.

Theo bị cáo, năm 2016 đến đầu năm 2020, họ đã liên tục trồng cây đêm theo yêu cầu của thành phố, để bảo đảm an toàn giao thông, không để bụi bặm cho người dân. Khi ấy thành phố đánh giá cao về sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, công nhân viên cây xanh.

"Để Thủ đô xanh, sạch như hôm nay có sự đóng góp lớn của các bị cáo thuộc công ty cây xanh. Họ đã giảm số tiền trồng cây so với giai đoạn trước nhưng hiệu quả tăng gấp 2 – 3 lần, góp phần tiết kiệm ngân sách thành phố. Do đó, tôi mong HĐXX xem xét, cho họ hưởng tinh thần của Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán, được mức án thấp nhất", ông Chung nói.

Về bản thân mình, ông Chung nói, việc trồng cây là một chương trình tốt đẹp nhưng cái kết khiến ông phải ra tòa. Quá trình bị giam, bố vợ ông đã qua đời và bố đẻ hiện nay đang tuổi cao sức yếu "khả năng không còn cơ hội báo hiếu". Vì vậy, ông rất mong được khoan hồng để sớm về chữa bệnh, còn mẹ già phải chăm sóc.

Cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhận trách nhiệm người đứng đầu
Các bị cáo trong phiên xét xử. Ảnh chụp qua màn hình

Cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhận trách nhiệm người đứng đầu

Trước đó, trong phần tự bào chữa, ông Chung cho hay, khi ông nhận vị trí Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, năm đó Hà Nội bị cắt giảm ngân sách. Lúc đó, có những gói thầu như Sở Xây dựng đề xuất gói thầu cắt cỏ và trồng cỏ trên đại lộ Thăng Long, Võ Nguyên Giáp. Vì vậy, bị cáo đã ban hành thông báo 32 tạm dừng, rà soát lại, nhằm tiết kiệm cho thành phố.

Về chỉ đạo ''vừa thực hiện, vừa hoàn thiện thủ tục'', ông Chung nói rằng đây không phải là chỉ đạo chung cho toàn bộ hoạt động cây xanh mà liên quan đến việc cắt tỉa cây, trồng mới, thay thế.

Thời điểm đó, xảy ra vụ đổ cây xà cừ cổ nghiêm trọng ở đường Hoàng Văn Thụ, cần phải cắt tỉa, thay thế cây mới ngay. Khi đó, Hà Nội đã có kế hoạch cắt tỉa 500 cây nhưng chưa triển khai. “Do đó, tôi đã cho triển khai trồng, cắt tỉa song song” - ông Chung trình bày.

Ông Chung cũng cho rằng phương thức đặt hàng giúp tiết kiệm chi phí trồng lại do cây chết. Trước đây, tỉ lệ cây chết ở các dự án 30%, có dự án chết 100%. Với phương thức đặt hàng, người nhận đặt hàng chịu trách nhiệm bảo hành, bổ sung cây chết trong 1 năm nên tỷ lệ cây sống cao, thành phố không mất tiền duy tu, duy trì.

Về việc cho trồng 600.000 cây keo ven Đại lộ Thăng Long và 34 tuyến đường khác, ông Chung thừa nhận không thực hiện thông qua đấu thầu. Song bị cáo cho rằng sau khi trồng, bắt đầu từ năm 2018 thì mỗi một năm, Hà Nội tiết kiệm được khoảng 230 tỷ đồng tiền quỹ duy tu, duy trì.

Việc cắt tỉa đồng bộ trên 12 quận, bị cáo giao tại Thông báo 32 chính là để cho công ty cây xanh cải tổ, sắp xếp lại. Việc sắp xếp này đã giảm chi phí cắt tỉa một cây xà cừ từ 35 triệu đồng còn 400.000 đồng, thời gian giảm từ 7 ngày còn 3h và không còn ùn tắc giao thông…

Ông Chung cũng cho biết, trong 3 năm cắt tỉa bằng các phương tiện máy móc đã tích được 300.000 tấn cành cây, lá cây, nghiền ra trở thành phân bón cho các vườn hoa cây xanh thành phố, tiết kiệm ngân sách thành phố và khi đưa máy móc vào công việc, công ty cây xanh không còn cán bộ bị thương, tử vong, không còn đổ cây chết người.

Ông Chung nói khi bị khởi tố vụ án này đã rất buồn bởi dự án cây xanh đã được hội đồng Giải thưởng Bùi Xuân Phái tặng thưởng danh dự. Đây là một chương trình ý nghĩa, không gây thiệt hại mà mang lại rất nhiều giá trị. "Tôi không thể tin được họ lại bắt tay nhau nâng khống giá như này", ông Chung nói trước toà.

Với cương vị Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 06 của Thành ủy về phát triển hạ tầng cây xanh, bị cáo nhận trách nhiệm người đứng đầu về hậu quả xảy ra. Nếu quy trách nhiệm phải bồi thường thì bản thân sẵn sàng bán nhà để nộp.

Đưa ra một số dẫn chứng về giá trị của các cây được trồng trước đó, đến thời điểm hiện tại, ông Chung cho rằng, đó là một chương trình ý nghĩa và việc trồng cây xanh không hề có thiệt hại.

"Qua các cương vị công tác, bị cáo rất sòng phẳng, không phải chối vì họ là bên dưới" - bị cáo Chung trình bày và cho rằng, bản thân có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên mong HĐXX áp dụng dưới khung hình phạt như một công dân bình thường.

Tòa sẽ tuyên án sơ thẩm vào 15h ngày 28/8.

Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Không biết việc các bị cáo nâng giá cây xanh Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Không biết việc các bị cáo nâng giá cây xanh
Đề nghị mức án với các bị cáo trong vụ nâng khống giá cây xanh tại Hà Nội Đề nghị mức án với các bị cáo trong vụ nâng khống giá cây xanh tại Hà Nội
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động