Cưỡng chế ngôi mộ tại xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo đơn kiến nghị của ông Nguyễn Huy Hồng, 76 tuổi trú tại thôn Lực Canh, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh gửi tới báo PL&XH, gia đình ông đã bị thất lạc 2 ngôi mộ ông nội và bà nội gần 100 năm; qua nhiều năm tìm kiếm đã tìm thấy 2 ngôi mộ này nằm ngay trên thửa ruộng của ông Chiêu, ông Huấn, là người cùng xã. Sau đó, gia đình có đề nghị được tôn tạo lại hai ngôi mộ và được hai gia đình có quyền sử dụng thửa ruộng này chấp thuận.
Theo nội dung đơn, ngày 14-12-2012, gia đình ông Hồng tiến hành xây tường bao quanh ngôi mộ có chiều cao 70cm, rộng 30cm. Khi xây xong, ngày 19-12, UBND xã Xuân Canh mời gia đình ra lập biên bản, nhưng gia đình không ký vào biên bản vì con cháu không nhẫn tâm tháo dỡ phần mộ của ông bà. Vào hồi 10g30, ngày 22-12-2012, UBND xã đưa thông báo và Quyết định cưỡng chế xuống gia đình. Khoảng hơn 14g cùng ngày, ông Phó Chủ tịch UBND xã cùng lực lượng xuống phá dỡ phần tôn tạo ngôi mộ của gia đình ông Hồng, cho dù gia đình xin tạm ngừng cưỡng chế nhưng UBND xã vẫn nhất quyết không nghe.
Ông Hồng cùng con cháu bên ngôi mộ ông nội vừa bị chính quyền xã Xuân Canh phá dỡ.
Ngày 25-12, PV về địa phương để tìm hiểu vụ việc, điện thoại cho lãnh đạo UBND xã Xuân Canh nhưng không bắt được máy. Trực tiếp xuống hiện trường, chúng tôi chứng kiến cảnh gạch, cát ngổn ngang bên ngôi mộ. Mỗi ngôi mộ diện tích trước và sau khi tôn tạo rộng khoảng hơn 10m2. Mảnh ruộng nằm ở góc đường của thôn, cạnh một con mương nước đen ngòm bởi ô nhiễm, nên không còn canh tác nữa. Trên mảnh ruộng có 3 ngôi mộ, thì có 2 ngôi của gia đình ông Hồng.
Ông Nguyễn Huy Hồng bức xúc: “Vì 2 ngôi mộ này đã tồn tại ở đây gần một trăm năm nay, không phải di chuyển từ nơi khác về nên gia đình nghĩ không phải xin phép lãnh đạo UBND xã. Hơn nữa, hai gia đình quản lý mảnh ruộng đã đồng ý cho gia đình chúng tôi được tôn tạo mộ cụ chúng tôi. Do vậy, gia đình mới tôn tạo lại cho đẹp đẽ, ai ngờ, khi mới tu sửa xong, lãnh đạo UBND xã Xuân Canh cưỡng chế cho đập phá tan tành, khiến gia đình tôi uất ức”.
Trao đổi với một số người dân tại xã Xuân Canh, chúng tôi ghi lại nhiều ý kiến chia sẻ về nỗi đau của ông Hồng – gia đình đã từng bị thất lạc mộ. Trong đó, có người dân cho rằng: “Đành rằng việc gia đình ông Hồng tôn tạo lại ngôi mộ mà chưa xin phép lãnh đạo UBND xã là không đúng. Nhưng cán bộ UBND xã lại vội vã cưỡng chế ngôi mộ; trong khi có thể yêu cầu gia đình xin giấy phép bổ sung, việc làm này cho thấy, về tình cũng như về lý đều chưa vẹn”!
Tin, ảnh: Lê Hoàng
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại